12/6/17

Loa thông minh - đấu trường mới của các trợ lý ảo

Sau 3 năm, Apple mới tung ra sản phẩm phần cứng mới là loa HomePod tích hợp trợ lý ảo, lĩnh vực mà Amazon Echo đang thống lĩnh.


Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Song song với việc chạy đua về phần cứng, các công ty công nghệ đang bước vào một cuộc chiến lớn hơn, có tầm ảnh hưởng sâu rộng hơn và hiện bất phân thắng bại. Đó là xây dựng trợ lý ảo thông minh nhất, có mặt trên nhiều thiết bị nhất. Có thể kể đến Apple với Siri, Microsoft với Cortana, Google có Assistant, Amazon có Alexa và mới đây là Samsung với Bixby.

 Apple HomePod 

XEM VIDEO CLIP:

Cuộc chiến trợ lý ảo đang mở rộng từ smartphone sang hệ thống loa gia đình. Apple đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực này, bằng chứng là HomePod là thiết bị thứ hai sau Apple Watch được họ tung ra ở thời kỳ "hậu Steve Jobs". Loa thông minh được giới công nghệ ví như con ngựa thành Troia để Apple tiến sâu hơn vào lĩnh vực nhà thông minh.

Loa thông minh là gì?

Có thiết kế như các hệ thống loa thông thường, nhưng loa thông minh (smart speaker) tích hợp Wi-Fi và được điều khiển bằng giọng nói. Để kích hoạt chúng, người dùng bắt đầu bằng những câu lệnh "Hey Siri", "OK Google" hay "Alexa" rồi sau đó đưa ra các câu hỏi như "Thời tiết hôm nay thế nào?", "Đặt cho tôi một chuyến Uber"... để nhận câu trả lời.

Smart speaker có thể phát nhạc, tổng hợp tin tức, hẹn giờ, quản lý danh sách mua sắm và điều khiển các thiết bị kết nối khác trong nhà như bóng đèn, tủ lạnh. Amazon gần đây đã thêm tính năng nhắn tin và gọi điện cho Echo, có nghĩa thời gian tới, loa cũng có thể trở thành thiết bị liên lạc như điện thoại thông minh.

Echo hoàn thành ổn nhiệm vụ đặt hàng với Amazon Prime nhưng lại khá vất vả khi trả lời những câu hỏi về kiến thức cơ bản. Trong khi đó, Google Home thể hiện tốt nhiệm tra cứu thông tin bởi nó là con đẻ của ông vua tìm kiếm Google.

Các nhà sản xuất loa thông minh

Amazon mở màn thị trường loa thông minh năm 2014 với hệ thống Echo (180 USD) sử dụng trợ lý giọng nói Alexa. Google tiếp nối bằng loa Google Home (129 USD) giữa năm 2016. Tháng 5/2017, đến lượt Microsoft hợp tác cùng Harman Kardon để giới thiệu loa Invoke (chưa có giá) tích hợp trợ lý ảo Cortana.

Gương mặt mới nhất là HomePod của Apple sử dụng Siri và vừa được công bố tuần trước tại sự kiện WWDC ở San Jose (Mỹ) với giá 329 USD.

Chất lượng âm thanh

Amazon Echo và Google Home được đánh giá cho chất lượng âm thanh tương xứng với mức giá. Người dùng cũng có thể kết nối chúng tới các loa khác qua Bluetooth để trải nghiệm âm thanh chất lượng cao hơn.

HomePod và Invoke chưa có mặt trên thị trường, nhưng Apple khẳng định sản phẩm của hãng cao cấp hơn đối thủ, còn Harman Kardon là thương hiệu đã có uy tín trên thị trường âm thanh.

Vai trò của loa thông minh

Hiện loa thông minh dành cho những người bận rộn nấu nướng, trông trẻ hay phải làm những công việc khác tại nhà bởi nó được điều khiển bằng giọng nói, không cần phải dùng đến tay để chạm, vuốt.

Loa Invoke 

Đối với các hãng công nghệ, loa thông minh là bàn đạp đưa họ tới mục tiêu cao hơn là biến trợ lý ảo của mình thành hệ thống điều khiển trung tâm của cả một căn nhà. Hãy hình dung, khi bước vào phòng, bạn không cần quan tâm thiết bị nào đang nằm ở đâu. Bạn chỉ cần ra lệnh và hệ thống loa sẽ cho bạn biết tình hình giao thông, thời tiết... Nó sẽ kết nối với máy pha cafe để 5 phút sau bạn có một tách capuchino, kích hoạt máy giặt, bật đèn trong phòng ngủ...

Giới công nghệ đang nhắc tới một khái niệm mới: điện toán bao phủ (ambient computing) - nơi mọi thứ người dùng sở hữu sẽ được kết nối với nhau qua công nghệ trí tuệ nhân tạo và được điều khiển bằng giọng nói. Khi đó, hãng nào sở hữu trợ lý ảo tốt nhất với khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên nhất sẽ trở thành người chiến thắng.

Related Posts: