Thảo luận về Dự án Luật Thủy lợi tại Hội trường sáng 8-6, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho rằng, sự cắt khúc tách bạch thiếu thống nhất trong phân công quản lý nhà nước của các bộ ngành khiến cho các dòng sông đã và đang trở thành các dòng sông chết.
ĐB Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) phát biểu
Bày tỏ sự lo lắng về những dòng sông tại Thủ đô Hà Nội đang bị ô nhiễm, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) phát biểu,nguyên nhân khiến những dòng sông thủy lợi thành thủy hạị một phần do sự ngăn lấp dòng chảy từ sông Hồng, thiếu sự quan tâm bảo vệ môi trường nước của các cấp chính nguyền và người dân vùng ven sông... Từ thực tiễn này, ĐB Trần Thị Quốc Khánh kiến nghị: “Dự án Luật Thủy lợi cần bổ sung nguyên tắc bảo vệ các nguồn nước sông hồ và công trình thủy lợi; Ưu tiên đầu tư làm sạch các nguồn nước sông hồ hiện có trước khi đầu tư xây mới các công trình thủy lợi quan trọng”.
Phát biểu trong phiên thảo luận, ĐB Mai Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Trị) cho rằng, Dự thảo quy định, quy trình vận hành công trình thủy lợi là điều kiện cơ bản, tiên quyết để đưa vào khai thác công trình thủy lợi. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, còn một số công trình thủy lợi đang khai thác mà không có quy trình vận hành.
Vì vậy, ĐB Mai Thị Kim Nhung đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định lại nội dung ở khoản 2 theo hướng ràng buộc trách nhiệm trong việc lập và thực hiện quy trình vận hành công trình thủy lợi. Bên cạnh đó cần bổ sung thêm nhiệm vụ giám sát việc vận hành công trình thủy lợi nhằm tránh gây ra những thiệt hại về tính mạng và tài sản cho nhân dân và cả công trình thủy lợi.
“Thời gian qua có nhiều chủ thể khai thác, vận hành công trình thủy lợi biết trước hậu quả của việc vận hành không đảm bảo quy trình nhưng vẫn cố ý vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Điển hình là vụ việc tại nhà máy thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) xả lũ bất ngờ gây thiệt hại cho đồng bào miền Trung. Gần đây nhất, cuối tháng 5-2017, thủy điện Sông Ba Hạ (Phú Yên) xả lũ bất ngờ làm chết 1 người đàn ông đánh cá. Do vậy, để đảm bảo các chủ thể khai thác, vận hành đúng quy trình, cần có sự giám sát, vận hành chặt chẽ từ phía cơ quan chủ quản đối với các công trình thủy lợi” – ĐB Mai Thị Kim Nhung nói.
Cho ý kiến về giá dịch vụ thủy lợi, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) bày tỏ quan điểm, cơ chế hỗ trợ, giá dịch vụ thủy lợi và cách tiếp cận đối tượng sản xuất được quy định trong Dự thảo chưa khả thi. “Nông dân hiện đang chịu rất nhiều loại thuế phí, nếu ban hành luật lại tạo thêm gánh nặng về các khoản thuế phí này cho họ là không nên. Hiện Nhà nước đang hỗ trợ nông dân làm nông nghiệp. Vậy thì hà cớ gì việc sửa luật lại càng tăng thêm gánh nặng cho nông dân?” – ĐB Nguyễn Tiến Sinh đặt câu hỏi.
Cũng theo ĐB này, hiện có hàng vạn công trình thủy lợi đã xuống cấp trầm trọng nhưng cơ chế tài chính cho các công trình này chưa được đề cập đến trong Dự án Luật Thủy lợi. Do vậy, Ban soạn thảo cần bổ sung quy định về ngân sách sửa chữa cho các công trình thủy lợi nhằm đảm bảo tưới tiêu, an toàn về tính mạng và tài sản của người dân khi mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, nhằm hạn chế tình trạng lấn chiếm đất đai tại các công trình thủy lợi cần có quy định về bố trí nguồn kinh phí đảm bảo cắm mốc chỉ giới bảo vệ các công trình này.