Hewlett Packard Enterprise (HPE) vừa công bố mẫu máy chủ sử dụng công nghệ xử lý và lưu trữ dữ liệu tại bộ nhớ (memory-driven computing) có dung lượng lớn nhất thế giới 160TB - nguyên mẫu mà theo HPE là không thể thiếu để tạo ra những đột phá công nghệ mới trong kỷ nguyên dữ liệu lớn (big data).
ảnh minh họa
Hệ thống mới này là cột mốc quan trọng trong dự án nghiên cứu thế hệ máy chủ mới của HPE – The Machine, dự án nghiên cứu phát triển được cho là lớn nhất từ trước tới nay.
Phần lớn các hệ thống máy tính hiện nay đều phụ thuộc chủ yếu vào bộ vi xử lý (CPU) khi thực hiện các tính toán phức tạp, cấu trúc memory-driven computing của HPE, thay vào đó, lại kết hợp dung lượng bộ nhớ và lưu trữ thành một kho tài nguyên chung, coi bộ nhớ là trung tâm của cơ chế hoạt động.
Trong khi các hệ thống thông thường bị hạn chế bởi nhược điểm về hiệu suất do cách thức tương tác giữa bộ nhớ, thiết bị lưu trữ và bộ xử lý, memory-driven computing lại thoát khỏi tầm ảnh hưởng của những vấn đề trên và nhờ đó rút ngắn một cách đáng kể thời gian xử lý những bài toán phức tạp. Thêm vào đó, do nhiều bộ xử lý có thể truy cập một bộ nhớ chung, hiệu suất và tốc độ tính toán cũng được cải thiện đáng kể. Độ linh hoạt đồng thời được nâng cao và hiệu suất dc tối ưu hóa khi các tác vụ khác nhau được giải quyết trên loại bộ xử lý thích hợp.
Sản phẩm mẫu kể trên được trang bị bộ nhớ có dung lượng 160TB phân bố rải rác trên 40 điểm vật lý (node), liên kết thông qua một giao thức sợi quang (fabric protocol). Hệ thống này còn ứng dụng cả các kết nối truyền tải quang và lượng tử ánh sáng, bao gồm cả mô-đun lượng tử ánh sáng X1 mới với khả năng truyền dữ liệu ở tốc độ lên tới 1,2TB mỗi giây.
Về phần mềm, hệ thống sử dụng hệ điều hành Linux chạy trên ThunderX2, một SoC (Hệ thống trên một chip) dựa trên kiến trúc ARM từ Cavium.
Theo HPE, 160 TB dung lượng bộ nhớ của nguyên mẫu có thể đồng thời xử lý lượng dữ liệu tương đương với khoảng 160 triệu cuốn sách, ghi nhận lần đầu tiên trên hệ thống memory-driven computing. HPE cho biết, trong tương lai, cấu trúc này còn có thể mở rộng thành một hệ thống đơn bộ nhớ với dung lượng exabyte và thậm chí lớn hơn thế, lên tới 4.096 yottabytes - một dung lượng có thể nói là gần như vô hạn. Nói cách khác, dung lượng đó tương đương với 250.000 lần lượng dữ liệu của toàn vũ trụ số hiện nay.
Với năng lực này, những khả năng dường như là không giới hạn. Hãy thử tưởng tượng một hệ thống có thể lưu trữ và xử lý hồ sơ y tế của tất cả mọi người trên trái đất, hay từng góc dữ liệu trên Facebook. Tuy vậy, mục tiêu của HPE còn lớn lao hơn thế: khám phá không gian, hay cụ thể hơn, hoàn thành sứ mạng đưa con người lên sao Hỏa.
Một chuyến đi đến sao Hỏa sẽ đòi hỏi một hệ thống máy chủ có khả năng tính toán khối lượng dữ liệu khổng lồ và đủ độc lập để có thể đồng hành với các phi hành gia. Một ngày nào đó, có lẽ The Machine sẽ là hệ thống máy chủ đảm nhiệm tốt vai trò này nhờ khả năng nắm bắt những khối lượng thông tin khổng lồ và từ đó lọc ra những giá trị ẩn giấu. Ý tưởng sử dụng công nghệ lượng tử ánh sáng (photonics) để truyền dữ liệu thay cho những sợi dây đồng nặng nề và sinh nhiệt cũng sẽ là sự mở đầu cho những chiếc máy tính nhanh, nhẹ nhàng, và linh động hơn.