Chiều ngày 17/5, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thông báo kết quả hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp lần thứ hai tổ chức tại Hà Nội sáng nay.
Nghe doanh nghiệp bức xúc, Thủ tướng ký chỉ thị giải quyết tại chỗ
Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết sau cuộc gặp giữa Thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp từ 15h hôm nay, hiện Thủ tướng và các phó thủ tướng, các bộ, cơ quan, hiệp hội vẫn đang bàn, xây dựng Chỉ thị thực hiện Nghị quyết 35 với tinh thần cụ thể, mạnh mẽ.
Sau khi nghe trực tiếp ý kiến đóng góp từ phía các doanh nghiệp, hiệp hội, ý kiến trả lời của bộ ngành, Chính phủ và các thành viên đã xây dựng dự thảo chỉ thị dài 11 trang, với trên 60 nhiệm vụ, giao cụ thể cho các bộ: 14 bộ và Chủ tịch UBND các tỉnh thành để thực hiện nhiệm vụ.
Trước đó, lúc 13h hôm nay, Thủ tướng đã ký Chỉ thị 20 về việc tránh thanh kiểm tra chồng chéo giữa các đơn vị thanh tra liên ngành.
Chỉ thị giải quyết ngay tại chỗ, sau vài giờ trình. Điều này xuất phát từ phản ánh có doanh nghiệp 1 tháng bị cơ quan thanh kiểm tra 3 lần, có doanh nghiệp bị kiểm tra 12 lần trong một năm.
Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 35, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết khu vực kinh tế tư nhân chiếm 85% lao động, đóng góp 39-40% GDP. Mục tiêu từ nay đến 2020 cả nước có trên 1 triệu doanh nghiệp, chủ yếu là DN tư nhân, trong bối cảnh cổ phần hóa, sắp xếp lại DNNN. Đến 2020, cả nước phấn đấu có 1,5 triệu, GDP chiếm 50%, và đến 2030 sẽ chiếm 60-65% GDP và có 2 triệu DN.
Về vấn đề phát triển để đạt con số 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, có nhiều ý kiến cho biết hiện nay, nhiều hộ kinh doanh ko muốn trở thành doanh nghiệp, vì ngại phải ứng phó với các cơ quan quản lý. Ông Dũng cho rằng hy vọng với những quy định mới sẽ tháo gỡ, để các hộ không ngại nữa.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng so với Hội nghị lần đầu ngày 29/4/2016 thì Hội nghị năm nay giảm căng thẳng hơn rất nhiều. Những bức xúc, "nóng lên" của hội trường hôm đó đã không còn. Điều này thể hiện quyết tâm và hiệu quả đồng hành cùng doanh nghiệp của cả hệ thống chính trị.
Hội nghị năm nay, Thủ tướng, các Phó thủ tướng đã gặp mặt trên 10.000 doanh nghiệp, trong đó hơn 2.000 tại hội trường và hơn 100 DN mỗi điểm cầu 63 tỉnh thành phố.
Trả lời vụ việc liên quan đến đề xuất của Bộ Tài chính thanh tra 60 dự án đất vàng, khiến người dân mua nhà hoang mang, nhiều nhà đầu tư thứ cấp rút vốn, đại diện Bộ Tài chính khẳng định chỉ báo cáo theo yêu cầu của Thủ tướng. Đây là việc rà soát tình trạng sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo, Bộ đã rà soát từ 7/1/2014 đến hết 2016, thực hiện Luật năm 2013. Bộ đã có 2 kiến nghị báo cáo Thủ tướng và nhiệm vụ 2017 đã được duyệt là thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất trên địa bàn các tỉnh thành. Kiến nghị xin phép chuyển sang tham khảo, chọn đối tượng rủi ro để tiến hành Thanh tra, và Chính phủ chấp nhận kiến nghị.
Cũng theo Bộ Tài chính, trong số 60 dự án, dự án nào có đấu hiệu vi phạm điều 118 Luật Đất đai mới đề nghị đề nghị đình chỉ, chứ không phải đình chỉ toàn bộ 60 dự án đó.
"Việc báo cáo là theo yêu cầu, đúng chức năng nhiệm vụ. Việc kiến nghị cũng là dựa vào có vi phạm, để ngăn chặn và có biện pháp khắc phục", đại diện Bộ tài chính trả lời.