Rối loạn tâm lý, đặc biệt là trầm cảm là bệnh có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nhưng qua theo dõi bệnh nhân, các bác sĩ nhận thấy mùa hè thường khiến bệnh nặng hơn.
ảnh minh họa
Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng, độ ẩm không khí cao gây khó chịu cho con người. Hơn nữa, việc phải chịu áp lực trong thời gian dài do căng thẳng trong công việc, cuộc sống, thi cử là tác nhân khiến thần kinh luôn trong trạng thái căng như dây đàn.
Áp lực từ cha mẹ
Đã là cha mẹ, ai cũng mong con cái mình thành tài sau này. Để con có tương lai tốt đẹp, không chỉ bố mẹ lai lưng ra làm mà bản thân con cái cũng cần có sự nỗ lực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều ông bố, bà mẹ lại kỳ vọng vào con một cách… quá đáng.
Chị Lan Anh (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: Để con rộng đường du học, gia đình lên kế hoạch cho con học chuyên ngữ. Do vậy, dù mới học lớp 7 nhưng lịch học con chị Lan Anh gần như kín tuần, trong đó có tới 3 buổi là học ngoại ngữ. Với một số gia đình khác, do kỳ vọng con có thể thi đỗ trường nọ, trường kia nên ngoài giờ học trên lớp, phụ huynh tìm thầy cô dạy thêm cho con. Có bé học thêm bên ngoài đến 3 - 4 môn. Có bé được kỳ vọng trở thành công dân toàn cầu nên được cha mẹ cho học 2 ngoại ngữ cùng lúc. Bên cạnh đó là học múa, đàn…
Với trẻ chuẩn bị vào lớp 1, dù trường tiểu học không thi tuyển đầu vào nhưng muốn con học ở trường dân lập có tiếng nên cha mẹ không tiếc tiền cho trẻ tham gia khóa học Hành trang vào lớp 1. Có phụ huynh lo xa tới mức cho trẻ học chữ trước vài tháng… Đến ngày kiểm tra, cha mẹ đứng ngoài chờ nóng lòng chẳng khác phụ huynh đưa con đi thi đại học hay tốt nghiệp phổ thông.
Bệnh vì căng thẳng
Báo cáo gần đây của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, từ năm 2005 - 2015, số người bị trầm cảm đã tăng thêm 18% và hiện có hơn 300 triệu người trên toàn cầu mắc rối loạn này. Điều đáng nói, bệnh đang có dấu hiệu trẻ hóa mà nguyên nhân do căng thẳng trong cuộc sống kéo dài, sang chấn tâm lý nhưng lại không được nói ra hoặc không nhận được sự quan tâm của người xung quanh.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng), những năm gần đây, phòng tư vấn tâm lý của trung tâm lúc nào cũng đông bệnh nhi. Có trẻ thì ai hỏi gì cũng không nói, trẻ khác lại nói nhiều tới mức mất kiểm soát. Một số trẻ khác thì mệt mỏi, mắt lúc nào cũng lờ đờ do thiếu ngủ triền miên hoặc luôn trong tình trạng lo điểm thấp sẽ bị bố mẹ mắng. Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cũng là địa chỉ được nhiều cha mẹ tìm đến. Ngồi bên giường bệnh, chị Nguyễn Thị Nga (Hoàng Mai, Hà Nội) chưa hết lo lắng khi biết kỳ vọng của mình khiến con thường xuyên sống trong căng thẳng. Còn bệnh nhi giường kế bên con chị Nga luôn tin rằng mình không có khả năng làm bất cứ việc gì. Nguyên nhân sâu xa do người lớn trong nhà thường xuyên dùng lời lẽ nặng nề khi em mắc lỗi hay đôi khi chỉ là hành động khiến người lớn không hài lòng.
Vẫn biết áp lực trong cuộc sống, thi cử là việc không thể tránh nhưng với mỗi cách ứng xử của người lớn sẽ khiến trẻ có cảm giác khác nhau. Tâm sự của gia đình có con bị rối loạn tâm lý, stress, trầm cảm mới thấy con khỏi bệnh, sống như người bình thường là điều tuyệt vời nhất. Do vậy, lời khuyên của các bác sĩ với cha mẹ là biết lực học của con, quan tâm đúng mức tới chuyện học hành cũng như nhu cầu hàng ngày của trẻ (ăn, ngủ, giải trí, thể thao). Đừng vì mong ước của mình mà đẩy trẻ lâm vào cảnh kiệt quệ về sức khỏe, tinh thần. Còn theo TS Lokky Wai, Trưởng Đại diện của Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, trò chuyện hàng ngày sẽ giúp trẻ giải tỏa được bức xúc của mình và người thân biết khúc mắc để có lời khuyên hay cùng giải quyết. Thực tế cũng cho thấy, những trẻ được trò chuyện hàng ngày với cha mẹ, được thỏa mãn nhu cầu ăn, ngủ, nghỉ và học sẽ dễ dàng giải tỏa gánh nặng. Khi tâm lý thoải mái thì hiệu quả làm việc, học tập sẽ tốt hơn, cuộc sống vì thế có ý nghĩa hơn.
- Rối loạn tâm thần là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất hiện nay. Ước tính, khoảng 30% dân số mắc các rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm chiếm 25%.
- Cần đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ khi họ có cảm giác buồn chán, trống rỗng, khó tập trung suy nghĩ, hay quên, luôn cảm giác mệt mỏi, không muốn làm việc gì, cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, hay cáu gắt, giận dữ... Nhiều bệnh nhân trầm cảm còn có triệu chứng đau đầu, đau tức ngực, rối loạn tiêu hóa... lặp đi lặp lại trên 2 tuần.