Chất lượng đào tạo có ý nghĩa quan trọng quyết định chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường sức cạnh tranh quốc gia. Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo chất lượng chính là khẳng định thương hiệu, uy tín và lợi thế cạnh tranh trong tuyển sinh đào tạo và cơ hội đầu tư.
ảnh minh họa
Giải pháp thúc đẩy đổi mới giáo dục nghề nghiệp
Trước yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng dạy nghề, đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp không chỉ là mối quan tâm của cơ quan quản lý Nhà nước, của các cơ quan chủ quản mà còn là mối quan tâm trực tiếp của mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo Cục Kiểm định Chất lượng dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề - Bộ LĐ-TB&XH), kết quả kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2008 - 2015 cho thấy, đa số hoạt động của các cơ sở dạy nghề được kiểm định mới tuân thủ cơ bản các quy định của Nhà nước. Mặc dù các trường được lựa chọn ưu tiên tập trung đầu tư thành chất lượng cao là các trường đã đạt chuẩn kiểm định chất lượng, nhưng vẫn còn khoảng từ 10 - 15% các yếu tố đảm bảo chất lượng chưa được thực hiện hoặc chưa đạt yêu cầu.
Việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đối với các hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập, các hoạt động còn mang tính đơn lẻ, rời rạc và hiệu quả không cao. Do đó, cùng với việc ưu tiên tập trung đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên... một giải pháp không kém phần quan trọng và có tính đột phá là phải cải tiến về quản trị nhà trường, trong đó đề cao đến vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo một cách tổng thể và bền vững. Đó là “xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng trong nhà trường” và đây được xem là một giải pháp tích cực thúc đẩy đổi mới giáo dục nghề nghiệp.
Xây dựng văn hóa chất lượng từ cơ sở
Bà Trần Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng Cục Kiểm định Chất lượng dạy nghề cho biết: Định hướng xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng theo dự thảo Thông tư quy định về xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp là hệ thống các chính sách, quy trình, công cụ đối với tất cả lĩnh vực, nội dung quản lý của trường, hệ thống thông tin nội bộ, nhân sự và cơ chế, giám sát, đánh giá, thông qua đó trường duy trì, cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Về nguyên tắc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường; thể hiện được tầm nhìn, sứ mạng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của trường trong từng giai đoạn; nhấn mạnh vai trò của nhà quản lý, gắn kết với quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của trường và lấy người học làm trung tâm; huy động sự tham gia của tất cả cán bộ quản lý, nhà giáo nhân viên, người học; tiếp cận theo quá trình, gắn kết với hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; phù hợp với thực tiễn của trường, dễ vận hành, thuận tiện trong việc kiểm tra, giám sát, đánh giá và cải tiến.
Cũng theo bà Trần Thị Thu Hà, đổi mới cơ chế quản lý, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thúc đẩy các trường phải nhất thiết đổi mới. Sự cần thiết đảm bảo, nâng cao chất lượng đào tạo là khẳng định thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh của các trường trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng là việc làm rất cần thiết để hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy trình công cụ quản lý nhằm đổi mới quản trị nhà trường theo hướng công khai, minh bạch và hiệu quả, xây dựng văn hóa chất lượng tại cơ sở đào tạo nghề.
Thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp và Nghị định số 48/NĐ-CP ngày 15/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH đang tiến hành xây dựng dự thảo Thông tư quy định về xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trước mắt là hướng dẫn các trường cao đẳng, trường trung cấp chuẩn bị các điều kiện để tiến hành xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng trong nhà trường.