Bắt đầu từ năm 2017, học sinh THCS học trung cấp có thể lựa chọn không học văn hóa mà chỉ được đào tạo tay nghề. Đây là một trong những điểm mới trong kỳ tuyển sinh cao đẳng, trung cấp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đại đa số các bậc phụ huynh và các em học sinh cấp THCS lại không mấy mặn mà với chính sách tuyển sinh học nghề mới này.
ảnh minh họa
30% học sinh THCS vào trường ngoài công lập và học nghề
Năm 2017, TP Hà Nội dự kiến có khoảng 83.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào hệ THPT là 69.500 học sinh. Trong đó, các trường công lập tuyển 56.840 học sinh, các trường ngoài công lập tuyển 12.660 học sinh. Số học sinh được tuyển vào trung tâm giáo dục thường xuyên là 7.000 học sinh. Số học sinh được tuyển vào các trường trung học chuyên nghiệp là 6.443. Tại TPHCM, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm 2017, sẽ có khoảng 81.000 thí sinh đăng ký thi, trong đó, 20.000 em sẽ phải vào các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề.
Trong năm nay, Hà Nội và TPHCM là hai địa phương sẽ đẩy mạnh việc phân luồng học sinh sau khi học xong bậc THCS. Việc phân luồng được thực hiện trên cơ sở cắt giảm chỉ tiêu vào các trường THPT công lập, tạo cơ hội tuyển sinh thuận lợi cho các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, các cơ sở đào tạo nghề, trung cấp nghề với tiêu chuẩn học sinh chỉ cần có bằng tốt nghiệp THCS. Tỉ lệ phân luồng cho học sinh tốt nghiệp lớp 9 vào lớp 10 công lập là 70% và 30% ngoài công lập, học nghề.
Theo PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, từ năm 2017, học sinh tốt nghiệp THCS có thể được lựa chọn chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu: Nếu bản thân thấy khó khăn trong học văn hóa và không có nhu cầu liên thông thì được chọn đào tạo tập trung về tay nghề, còn nếu có nguyện vọng liên thông sau này thì có thể chọn chương trình đào tạo vừa học nghề vừa học bổ túc văn hóa; để khi tốt nghiệp vừa có bằng trung cấp vừa có bằng tương đương bằng tốt nghiệp THPT, đủ điều kiện liên thông lên các trình độ đào tạo cao hơn.
Đổi mới theo nhu cầu xã hội và năng lực người học
Chính sách mới này đã tạo điều kiện cho cả nhà trường và người học, đặc biệt có lợi cho những học sinh học văn hóa khó khăn và có xu hướng học nghề để có thể nhanh chóng ra nghề có việc làm ngay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, đại đa số các phụ huynh học sinh hầu như chưa có ý định để con học xong lớp 9 là đi học nghề, làm thợ.
Theo phản ánh chung, các phụ huynh có con đang học lớp 9 đều nhìn nhận, các cháu còn nhỏ tuổi, được gia đình bao bọc nhiều nên hướng học nghề là còn quá sớm, tiếp tục học hết lớp 12 vẫn là nguyện vọng chung của phụ huynh và học sinh. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng tỏ ra thiếu tin tưởng vào cơ sở đào tạo nghề, chất lượng đào tạo và lo lắng cho tương lai nghề nghiệp của con em mình.
Làm thế nào để các em học sinh sau khi học xong lớp 9 có thể mạnh dạn, tự tin bước vào học nghề, làm thợ? Các chuyên gia cho rằng, đây là vấn đề lớn không thể giải quyết một cách dễ dàng, nhanh chóng mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đồng bộ về thể chế và chính sách pháp luật, quan tâm hơn đến các đối tượng học nghề, công nhân lành nghề. Về công tác hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông cần phải đổi mới theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội và khả năng của người học, từ đó dần thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh học sinh về học nghề.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, trong 4 tháng đầu năm 2017, ước tính tuyển sinh của các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề/trung tâm giáo dục thường xuyên được 511.330 người đạt 23% kế hoạch năm, nhưng tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp được 11.330 người, chỉ đạt 2% kế hoạch. Tuyển sinh trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng khoảng 500.000 người (đạt 31% kế hoạch). Hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 khoảng 150.000 người (đạt 25% kế hoạch)…