13/5/17

Báo động đỏ về tệ nạn nhậu nhẹt

Các chuyên gia, bác sĩ đưa ra phương thức uống rượu bia không nguy hiểm đối với nam là 2 ly/ngày, nữ là 1 ly/ngày; uống rượu bia trên 30gr cồn/ngày tăng nguy cơ bệnh gan, trên 120gr cồn/ngày nguy cơ bệnh tuyệt đối...


Không khí nhộn nhịp về đêm tại các quán nhậu ở TP.HCM
Không khí nhộn nhịp về đêm tại các quán nhậu ở TP.HCM

Ngày 12.5, Hội liên hiệp phụ nữ TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm ’Rượu bia - hiểm họa đối với gia đình’ với sự tham gia của các bệnh nhân, nạn nhân từ rượu bia, các bác sĩ, chuyên gia tâm lý...

Mở đầu tọa đàm, bác sĩ (BS) Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện (BV) Tâm thần TP.HCM, cho biết uống rượu bia vừa phải sẽ tạo hưng phấn trong giao tiếp nhưng khi không kiểm soát được lượng rượu bia vào cơ thể chính là lúc không còn kiểm soát được hành vi, lâu dần sẽ là nghiện rượu. Hậu quả của nghiện rượu chính là tổn thương gan cấp và mạn tính, ung thư, gây tai nạn, bạo lực gia đình và xã hội…

“Nồng độ rượu, bia tốt cho cơ thể là 0,5g/lít máu, khi nồng độ 1g/lít phản ứng giảm đi, phản xạ chậm, 2g/lít máu sẽ là gây dại, 3g/lít thì giảm trí nhớ quên, hoang tưởng ảo giác dẫn đến rối loạn thể chất, tinh thần và mối quan hệ xã hội”, BS Thắng nêu.

“Rượu bia là lối mòn khủng hoảng”

Tham dự buổi tọa đàm, chị Nguyễn Thị Bích Chi (thành viên CLB Đồng Cảm Q.4, TP.HCM) thẳng thắn : “20 năm về trước, tôi được cho là người có “số má”, "bà trùm” uống bia, uống rượu tại nơi làm việc. Tôi uống là do hoàn cảnh đi làm. Uống càng nhiều khách cho tiền nhiều và chủ cũng trọng dụng. Thoát khỏi nó, giờ nghĩ lại, khi đó rượu bia được coi là lối mòn khủng hoảng của tôi”.

Theo bệnh nhân nội trú tại BV Tâm thần TP.HCM Nguyễn Văn Hướng (40 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM), anh đã có thâm niên uống rượu 20 năm, trước khi nhập viện anh ở nhà buôn bán nên cuối tuần thường tụ tập bạn bè lai rai. “Ban đầu uống rượu tôi uống được một xị, bia được 2 - 3 chai. Uống lâu dần thì “đô” cứ tăng dần lên. Nghe vợ con khuyên nhủ và bản thân muốn cai nghiện nên tôi tự nguyện nhập viện điều trị để không bị bạn bè rủ rê”, anh Hướng nói.

Tương tự, anh Nguyễn Khắc Nhàn (ngụ tỉnh Đồng Nai), bệnh nhân điều trị ngoại trú tại BV Tâm thần TP.HCM, nói anh đã điều trị một năm và trước đó đã cai nghiện 4 lần nhưng không thành công. “Cứ nghĩ uống một vài ly ăn cơm cho nó ngon nhưng rồi không có rượu lại run tay, mất trí nhớ nên tôi đi điều trị”, anh Nhàn cho biết.

Anh Phạm Tấn Cảnh (em trai anh Phạm Tấn Tài - người bị tai nạn giao thông do uống rượu bia) kể: “Anh trai tôi 26 tuổi, chưa có gia đình nhưng thường hay nhậu nhẹt. Một hôm anh đi đám cưới, nhậu xỉn trở về thì gặp tại nạn, bị chấn thương sọ não, bại liệt. Nhà chỉ có 3 anh em trai, anh lớn đã có gia đình, tôi đang sinh viên, mẹ tôi mất sớm nên ba phải nghỉ làm ở nhà chăm sóc anh trai từ miếng ăn, vệ sinh đến đi đại tiện”.

Là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng nghiện rượu, chị Nguyễn Thị Bích Thuỷ, Chi hội trưởng P.14, Q.Gò Vấp (TP.HCM) tâm sự: “Tôi ở đây hôm nay xin nói bằng tấm lòng của mình mà không e ngại, xấu hổ. Chồng đã nghiện ngập, cứ về nhà là đánh tôi phải nhập viện rồi có vợ nhỏ. Tôi quyết tâm bỏ chồng tự mình nuôi 5 đứa con ăn học trưởng thành. Khi ông ấy không còn gì thì xin quay về nhưng tôi không chấp nhận. Được các con khuyên nhủ, tôi đồng ý nhưng đấy cũng là lúc tôi phải chăm sóc ông ấy bởi căn bệnh ung thư gan từ rượu bia. Ông ấy đã chết năm ngoái. Tôi chỉ muốn nói là phụ nữ không hẳn phải nhẫn nhịn. Tôi bỏ chồng nghiện rượu là vì tôi muốn giải thoát cho bản thân tôi trước tiên, sau đó mới đến vì các con của mình”.

Related Posts: