9/5/17

Bài học kinh nghiệm cho đào tạo nghề Việt Nam

CHLB Đức là một quốc gia đã tạo được sự phát triển kinh tế - xã hội cao nhờ làm tốt chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, hệ thống đào tạo nghề kép được đánh giá là một mô hình đào tạo hiệu quả hàng đầu trên thế giới. Hệ thống đào tạo nghề của CHLB Đức đã được nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm và tham khảo để áp dụng vào thực tế đào tạo nghề trong nước.


Bài học kinh nghiệm cho đào tạo nghề Việt Nam
ảnh minh họa

Chất lượng cao và đãi ngộ tương xứng

Báo cáo về hệ thống đào tạo kép của Bộ Giáo dục và Khoa học CHLB Đức cho biết, sau 6 tháng học sinh tốt nghiệp từ hệ thống đào tạo nghề kép, khoảng 60% học sinh nhận được việc làm với hợp đồng không hạn chế, có nghĩa là hợp đồng trong thời gian 3 - 4 năm, rồi sau đó ký tiếp hoặc hợp đồng vĩnh viễn nếu cả hai bên mong muốn, 10% thất nghiệp, 17% tham gia quân ngũ hoặc nhận hợp đồng ngắn hạn (từ 6 tuần cho đến 5 năm) và 13% tham gia đào tạo tiếp.

Trong số những học sinh có việc làm ngay, 78% học sinh được làm việc theo đúng chuyên ngành đào tạo. Thông thường, các học sinh theo học các khóa đào tạo nghề trong các công ty lớn có cơ hội việc làm lớn hơn so với học sinh theo học các khóa đào tạo trong các công ty nhỏ. Theo số liệu thống kê, có khoảng 80% học sinh tốt nghiệp học nghề trong các công ty lớn được ở lại làm việc tại công ty đã đào tạo.

Một yếu tố chủ chốt tạo ra hiệu quả cao của hệ thống đào tạo nghề kép ở Đức là chất lượng cao, chế độ đãi ngộ tốt là các động cơ khuyến khích mạnh của giáo viên trong cả hai bộ phận, tại trường nghề và tại công ty. Các giáo viên đào tạo tại hãng được lựa chọn từ các xưởng và phòng làm việc của công ty và phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc, có đủ năng lực sư phạm và chuyên môn để tham gia giảng dạy. Các yêu cầu chuyên môn là một chứng chỉ thợ chính thức của ngành cộng với 1,5 năm đào tạo thêm tại các lớp học buổi tối của trường kỹ thuật và kỳ thi tốt nghiệp, xác nhận trình độ về cả chuyên môn lẫn sư phạm.

Đối với những người được lựa chọn làm giáo viên, họ có quyền lợi đi kèm là được chuyển hẳn từ vị trí sản xuất như là “công nhân cổ xanh” sang vị trí làm việc của tầng lớp “nhân viên cổ trắng”, với 20 giờ dạy trong một tuần, thay cho khoảng thời gian làm việc tăng gấp đôi tại nơi sản xuất. Những quyền lợi này là động cơ thực sự thúc đẩy lớp trẻ tham gia đội ngũ giảng dạy tại hệ thống đào tạo nghề kép.

Liên tục cập nhật kỹ năng nghề mới

Ông Theodor Niehaus, Chủ tịch World Skill Leipzig cho biết, ở CHLB Đức cũng như nhiều quốc gia châu Âu, đào tạo nghề luôn song hành với nền kinh tế. Nâng cao năng lực phát triển bền vững đang là chủ đề hiện tại và tương lai của nhiều quốc gia và nó liên quan mật thiết đến đào tạo nghề. Ngày càng cần những công nhân để thực hiện những ý tưởng phát triển bền vững.

Theo nhận định của khối doanh nghiệp Đức, xu hướng phát triển của các doanh nghiệp trên thế giới ngày nay là tái chế, giảm phát thải và hạn chế tác động xấu tới không khí và môi trường. Xu hướng này đã xuất hiện nhiều nghề mới và nó luôn được cập nhật trong các chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề ở Đức.

Chẳng hạn như, doanh nghiệp cần công nhân làm việc tại các trạm điện năng lượng mặt trời, năng lượng gió thì phòng công nghiệp Đức cung cấp bổ sung chương trình đào tạo điện năng lượng mặt trời, điện năng lượng gió cho các cơ sở đào tạo nghề. Cần công nhân làm việc trong lĩnh vực công nghệ ô tô sạch hay tái tạo nước thải thì các cơ sở đào tạo nghề được cung cấp bổ sung chương trình đào tạo các nghề này.

Chế độ đãi ngộ, ưu tiên khuyến khích giáo viên dạy nghề; đào tạo gắn với việc làm và doanh nghiệp, hệ thống đào tạo nghề kép của Đức đã giúp những người trẻ tuổi khởi nghiệp ổn định và lâu dài, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên Đức luôn ở mức rất thấp trong nhiều năm qua.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông bắt buộc, theo quy định của chính phủ CHLB Đức, học sinh có thể tham gia vào học nghề ở lứa tuổi 15 - 18. Tham gia vào hệ thống đào tạo nghề, học sinh có thể lựa chọn hình thức đào tạo toàn bộ tại trường hoặc hệ thống đào tạo nghề kép.

Related Posts: