Hàng xóm là những người đầu tiên phát hiện ra sự có mặt của đồ vật mới trong nhà và tò mò hỏi chị giá. Chị tủm tỉm: “Báo cáo các bà, ai tinh mắt nhìn xuống dưới đế quạt sẽ thấy...'.
Cảnh hạnh phúc của nhà chị Sao (Ảnh tư liệu)
Thái Bình là tỉnh đầu tiên thử nghiệm thưởng quạt cho những người sinh con gái. PV Báo NNVN đã tìm gặp 1 trong 32 cặp vợ chồng đầu tiên được thưởng…
Xem Video: Sẽ thưởng tiền khi sinh con một bề toàn gái
Cặp vợ chồng vui nhất xóm
Tôi viết những dòng này khi nhớ lại làn gió mát rượi phả ra từ chiếc quạt kỷ niệm của đôi vợ chồng đó. Ngôi nhà ấy tuy nhỏ nhưng luôn chật tiếng cười. Ở một vùng đất ven biển như làng Tu Trình (xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy, Thái Bình) con trai luôn là một nỗi khát khao khô cổ bỏng họng tại sao lại có nhiều tiếng cười đến vậy trong một gia đình chỉ có hai con gái?
Chị Nguyễn Thị Sao vợ anh Đoàn Duy Phủ giới thiệu về các thành viên trong gia đình mình bằng cách hài hước như sau: “Người trên giời lấy người dưới đất đẻ ra con lửng lơ”. Khách lạ còn đang ngơ ngác không hiểu, chị giải thích: “Tôi tên là Sao thì ở trên trời, anh ấy tên là Phủ tức âm phủ thì ở dưới đất còn các con một đứa tên là Yến, một đứa tên là Oanh chẳng phải là các loài chim bay lửng lơ ở giữa hay sao?”. Lại cười khanh khách.
Nhưng tôi biết sau tiếng cười ấy là bao nỗi niềm chất chứa của một người phụ nữ quê sinh liền một lúc hai đứa con gái. Đứa đầu năm 1996, cũng chẳng nghĩ ngợi gì nhiều nhưng năm 2002 khi mang thai đứa thứ hai trong lòng chị dấy lên một hi vọng về một đứa con trai nối dõi cho chồng. Dù vậy, anh chị cũng không đi siêu âm để biết giới tính trước của con. Một buổi hai vợ chồng đang gặt lúa ngoài đồng thì chị trở dạ.
Sau khi đưa vợ vào trạm xá, anh Phủ chạy về lấy phích, lấy chăn màn ra thì đã nghe tiếng trẻ con oa oa khóc. Một đứa con gái khỏe mạnh, bụ bẫm đang đỏ gay mặt lên vì khóc. Nhác trông thấy con rể, mẹ vợ chép miệng, giọng chùng xuống như một người mang tội: “Lại sinh con gái rồi bố mày ạ!”.
Anh vội động viên: “Không sao đâu, con nào cũng được mẹ ạ! Miễn sao sau này cháu nó nên người”. Mẹ đẻ anh dù vẫn mang cơm ngày ba bữa cho con dâu nhưng mặt không được vui. Hàng xóm sang thăm thương hại: “Nhà Sao ở hiền mà không gặp lành. Giá trời cho nó tí nếp, tí tẻ…”.
Chị lại phải một hai giải thích rằng: “Cảm ơn các bà, các cô đã quan tâm đến cháu. Giờ có nhà đầy con trai nhưng lúc bố mẹ về già lại chia nhau từng ngày chăm sóc. Ngược lại có nhà bốn đứa con gái nhưng mẹ nằm liệt cả chục năm không thấy một lời ca thán, lúc mẹ chết đứng ra đáp lễ đâu vào đấy…”.
Nói thì nói vậy nhưng thâm tâm chị vẫn lo. Có lúc chị ướm hỏi chồng rằng: “Đẻ thêm nữa không anh?”. Thì anh bảo: “Mình không phải nghĩ ngợi gì. Tôi chỉ mong sao vợ chồng mình khỏe, bảo ban nhau làm ăn, nuôi dạy con cho tốt. Sau này về già ta chở nhau đi chơi hay chở nhau đi thăm cháu là thỏa ước nguyện…”.
Vậy là từ đó anh chị vững tâm chăm lo cho gia đình, từ bỏ ý định về một thằng cu chống gậy. Họ nuôi gà, cấy ruộng, thả trâu rồi đổi trâu lấy vôi lấy cát, tự tay đóng ba vạn gạch để dựng lên một căn nhà mái bằng khang trang. Trong nhà họ sắm sanh đủ các vật dụng như bếp gas, ti vi, máy giặt, tủ lạnh, điều hòa…
Lúc nông nhàn anh Phủ tham gia chơi cho một ban nhạc hiếu với cái tài ít ai sánh bằng là một tay đánh trống cái trống con, một tay đánh xanh ban còn chân thì gõ mõ. Không bao giờ hết việc, “cát xê” mỗi ngày 500.000 đ nhưng vì đang làm Phó trưởng công an xã nên anh chỉ nhận lời mời biểu diễn vào thứ Bảy, Chủ nhật.
Họ chia nhau dạy học cho con. Chồng giảng văn, vợ bày toán. Học không phải chỉ để qua các kỳ thi mà học còn để đối nhân xử thế. Kèm con cái xong xuôi đâu đấy vợ chồng mới khoác vai nhau đi tập thể dục trên con đường làng xuyên cánh đồng lộng gió nội.
Quan điểm sống của họ giản dị rằng phải thể hiện hết sự hạnh phúc của bố mẹ ra để làm nền móng cho các con phấn đấu. Cháu đầu của họ hiện đang học Cao đẳng y, cháu thứ hai đang học lớp 9. Đứa nhỏ hễ rời trang sách ra là băm bèo thái rau, nấu cơm đỡ mẹ. Đứa lớn hễ có dịp nghỉ hè về nhà là rúc vào cánh bố mẹ rủ rỉ chuyện trò...
Xem Video: Sinh con thứ 3 phải nộp 2 triệu ở Vĩnh Phúc
Niềm vui bất ngờ
Chị bảo cả huyện có 48 xã, nhiều người cũng đẻ con gái một bề nên vinh dự, tự hào lắm khi nhà mình được chọn là một trong hai gia đình lên tỉnh nhận phần thưởng. Tối hôm trước anh chị ngủ một giấc sâu để sáng ngày sau mỗi người một xe máy chở theo một đứa con rời quê ra phố. Từ bé đến giờ chị mới được vào một khách sạn to và đẹp thế. Đến cái “hố xí” của nó cũng thơm phưng phức, sạch bóng như gương.
Ngoài hiện vật là quạt anh chị còn được nhận thêm 400.000đ tiền thưởng. Hàng xóm là những người đầu tiên phát hiện ra sự có mặt của đồ vật mới trong nhà và tò mò hỏi chị giá. Chị tủm tỉm: “Báo cáo các bà, ai tinh mắt nhìn xuống dưới đế quạt sẽ thấy dòng chữ “Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình Thái Bình tặng gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số” đấy ạ.
Anh chị Sao vui vẻ bên phần thưởng năm nào
“Ồ thế ai đẻ hai con gái cũng được thưởng à?”. Mấy bà hàng xóm thắc mắc. “Không chỉ đẻ hai con gái mà phải nuôi dạy con ngoan, học giỏi nữa các bà ạ. Huyện ta chỉ được có hai gia đình thôi", chị đáp. Nghe đến đây, ai nấy đều nắc nỏm: “Đẻ con gái như nhà chị Sao mới thật là mát ruột”.
Ngày hội đại đoàn kết toàn dân năm đó, anh chị tay trong tay bắt nhịp cùng hát vang bài ca dân số dựa theo điệu trúc xinh rằng: “Anh hứa với em hai lần là ta cũng rõ. Ta chỉ hai lần thôi. Dù là con trai hay dù là con gái. Cũng cũng chỉ là hai đứa thôi là thôi…”.
Một lần thử nghiệm rồi thôi
Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Trung tâm Dân số huyện Thái Thụy khẳng định với tôi rằng do số lượng chỉ tiêu mỗi huyện chỉ được có 2 nên phải chọn ngay cán bộ trong ngành (cán bộ dân số KHHGĐ xã, thôn) để tuyên dương chứ bên ngoài rất nhiều gia đình đủ tiêu chuẩn có 2 con gái, kinh tế khá, nuôi dạy con ngoan.
Người nhận quạt tuy không phải ký cam kết không sinh con thứ ba như lời đồn nhưng Thái Thụy cũng là địa phương thực hiện rất chặt chẽ chuyện này. Hễ cán bộ, công nhân viên chức mà sinh con thứ ba thì cả đơn vị và lãnh đạo đơn vị đều không được xem xét bất kỳ hình thức thi đua nào...
Chị Sao bên chiếc quạt kỷ niệm
Thái Bình vốn là một trong những tỉnh có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao (có thời điểm 114/100) nên năm 2012 Chi cục Dân số KHHGĐ đã có sáng kiến trích một phần kinh phí để thưởng quạt cho 32 gia đình sinh con gái một bề không sinh thêm đứa thứ ba, nuôi con giỏi, dạy con ngoan.
Chính một số lãnh đạo của ngành y tế địa phương cũng vui vẻ lên bục nhận quà để ủng hộ cho phong trào nam nữ bình quyền này. Tuy nhiên, thử nghiệm trên chỉ thực hiện được một thời gian thì dừng.
Trao đổi với pv qua điện thoại, lãnh đạo mới của Chi cục Dân số KHHGĐ Thái Bình bày tỏ quan điểm người tiền nhiệm đã thử nghiệm thưởng quạt nhưng quan điểm của ông hiện tại thì không. Vấn đề không phải chỉ đơn thuần là kinh phí mà thưởng thế khác nào chính thức xác nhận sự thiệt thòi của những người sinh con một bề là gái.
Trong khi chuyện thưởng quạt khép lại đầy tiếc nuối thì mới đây, hội đồng gia tộc họ Bùi Nguyễn ở xã Thụy Dương huyện Thái Thụy đã ra một quyết định "cách mạng" là cho phép làm lễ nhập họ cho tất cả con gái cũng như con trai. Cho phép con gái đứng ra chống gậy và đáp lễ trong đám tang bố mẹ nếu gia đình đó không có con trai. Cho phép sự đóng góp của con gái trong việc họ chứ không chỉ bó hẹp tính theo suất đinh như trước kia…