4/4/17

Lãnh đạo TP Hà Nội điều hành công việc qua iPad

Hà Nội chính thức “luật hóa” việc sử dụng máy tính bảng trong công tác chỉ đạo, điều hành của thành phố.


Máy tính bảng mang lại nhiều lợi ích trong chỉ đạo, điều hành
Máy tính bảng mang lại nhiều lợi ích trong chỉ đạo, điều hành

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý vừa ban hành Quy chế về quản lý, sử dụng máy tính bảng trong công tác chỉ đạo, điều hành của thành phố Hà Nội. Quy chế này được áp dụng đối với Chủ tịch UBND TP, các Phó Chủ tịch UBND TP; lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trực thuộc thành phố được trang bị máy tính bảng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành theo quy định.

Chủ tịch thành phố điều hành qua máy tính bảng

Theo quy định mới, nguyên tắc chung là UBND TP, Chủ tịch UBND TP sẽ trực tiếp chỉ đạo, điều hành công tác thông qua hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung của thành phố. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông sẽ chịu trách nhiệm chủ trì, tham mưu UBND TP đảm bảo công tác quản lý, vận hành, sử dụng máy tính bảng trong công tác chỉ đạo, điều hành thông qua hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung. 

Đặc biệt, từ 30-3-2017, toàn bộ tài liệu (giấy mời, báo cáo...) phục vụ các cuộc họp của lãnh đạo thành phố với Giám đốc, Phó Giám đốc các Sở và Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra thành phố; Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND quận, huyện thị xã; lãnh đạo, thủ trưởng các đơn vị thuộc thành phố sẽ được gửi qua hệ thống thư điện tử, phần mềm quản lý văn bản của thành phố. Cũng từ ngày này, thành phố sẽ không gửi tài liệu giấy, ngoại trừ các tài liệu mật, tối mật, tuyệt mật.

Các cá nhân sử dụng máy tính bảng phải có trách nhiệm quản lý, sử dụng thiết bị đúng mục đích phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành qua hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung của thành phố và đưa vào quản lý tài sản theo quy định. Các phần mềm dùng chung của thành phố sẽ được cài đặt sẵn trên máy tính bảng. 

Khi không còn đảm nhiệm các chức vụ được sử dụng máy tính bảng trong điều hành theo quy định, người sử dụng cần bàn giao lại thiết bị cho cơ quan, đơn vị quản lý. Tiếp đó, cơ quan, đơn vị quản lý có trách nhiệm giao lại cho người khác sử dụng theo quy định.

Đề phòng lọt lộ thông tin

Liên quan tới công tác bảo mật thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, người sử dụng máy tính bảng phải tuân thủ nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng máy tính bảng đúng mục đích và an toàn, bảo mật, chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định nếu làm mất hoặc làm hư hỏng thiết bị. Người sử dụng không được tự ý thay đổi các thông số kỹ thuật phần cứng của thiết bị; không tự ý tháo dỡ máy.

Phải tự bảo vệ tài khoản của mình (bao gồm tên đăng nhập và mật khẩu), không được để người khác sử dụng tài khoản này sai mục đích; không cài đặt các trò chơi điện tử vào máy tính bảng; không mở các thư điện tử lạ, tệp tin đính kèm hoặc liên kết trong các thư lạ để tránh virus, mã độc; không vào các website không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáng ngờ...

Trường hợp làm mất máy tính bảng hoặc bị lộ, lọt thông tin về tài khoản của các ứng dụng dùng chung cài đặt trên thiết bị, phải kịp thời thông báo cho Sở Thông tin và Truyền thông để phối hợp xử lý. Các trường hợp vi phạm quy chế sẽ bị xử lý theo quy định, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

Trên thực tế, việc trang bị máy tính bảng cho lãnh đạo thành phố, các sở ngành, quận huyện, các vị đại biểu HĐND TP… đã được Hà Nội thực hiện từ nhiều năm nay. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một số sở, ngành, quận, huyện cho biết, đây là việc hết sức bình thường trong chỉ đạo điều hành ở thành phố hiện nay. “Chúng tôi vận hành, sử dụng máy đơn giản.

Thiết bị lúc nào cũng có thể mang theo người, giúp đọc tài liệu ở mọi nơi, trao đổi thông tin dễ dàng, không phải lo mang theo văn bản, giấy tờ nữa. Tất nhiên, việc thành phố ban hành quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm là rất cần thiết, giúp nâng cao ý thức người dùng, cũng khuyến cáo kỹ càng hơn về công tác bảo mật, tránh trường hợp lọt lộ thông tin đáng tiếc” - Giám đốc một Sở chuyên ngành cho biết.

Related Posts: