Sáng thứ tư hằng tuần, trong khuôn viên Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM, gian hàng ăn uống đồng giá (5.000 đồng/món) của nhóm học sinh khiếm thị nhộn nhịp hẳn lên.
Gian hàng ăn uống của học sinh khiếm thị Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM
Sau khi “chợ” tan, các em chia nhau làm những phần việc khác nhau: Nhóm thì muối cà pháo, nhóm thì nấu ăn chuẩn bị bữa trưa... Thỉnh thoảng, chúng tôi nghe âm thanh xoong nồi, đồ đạc va loảng xoảng và tiếng vài em xuýt xoa như tự trách mình chưa hết sức cẩn thận. Cuối cùng, mọi việc xong xuôi đâu ra đấy, dù các em không có đôi mắt soi đường.
Cô Nguyễn Thị Thu Sương, phụ trách bộ môn giáo dục kỹ năng sống và chế biến thực phẩm Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, cho biết: “Đây là những học sinh thuộc lớp 8 kỹ năng, trong đó có những em đa dị tật. Các em đã lớn (14 tuổi trở lên) nhưng bị khuyết tật học tập, không thể theo nổi chương trình giáo dục hòa nhập. Do vậy, ba năm nay, nhà trường mạnh dạn mở một số lớp kỹ năng trên”.
Minh Hưng (Q.9, TP.HCM) thật thà cho hay ban đầu học làm bánh flan em thấy “khó lắm, làm tới làm lui trong 2 năm mà chưa làm được”. Cho nên, khỏi phải nói Hưng vui sướng tới mức nào khi gần đây đã biết cùng các bạn làm bánh bán.
Cô Thu Sương bày tỏ: “Trong quá trình làm, có khi các em làm đổ bể cái này cái kia. Các phụ huynh hãy kiên nhẫn, tạo điều kiện cho các em hòa nhập như một thành viên trong nhà. Không nên luôn coi các em là người khuyết tật mà bảo bọc, làm thay mọi thứ”.
Cô Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, cho biết: “Chúng tôi mở chương trình này để giúp các em khuyết tật không học được chương trình phổ thông có thể phát huy được khả năng của mình, có chỗ đứng trong gia đình để không thành người ăn bám. Thay vì có người phục vụ thì các em tự phục vụ cho chính bản thân và gia đình. Sau này, nếu không xin được việc thì các em cũng đã có kinh nghiệm buôn bán nhỏ”.