4/4/17

Hoãn xử vụ nhiều cán bộ bị bắt giữ trái phép trên biển

Cho rằng VKS truy tố các bị cáo với nhiều tội danh khác nhau là chưa chuẩn xác nên luật sư đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung một số nội dung có liên quan.


 Các bị cáo trước vành móng ngựa nghe VKS Khu vực 2 Bộ đội Biên phòng trình bày bản cáo trạng.
Các bị cáo trước vành móng ngựa nghe VKS Khu vực 2 Bộ đội Biên phòng trình bày bản cáo trạng.

Ngày 4-4, tại Tiểu đoàn Huấn luyện Cơ Động thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, Tòa án Quân sự Khu vực 2 (Quân khu 9) tổ chức phiên tòa xét xử công khai đối với các bị cáo: Hà Văn Hòa (SN 1976), ngụ ấp Kinh Tư, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) bị truy tố về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cố ý gây thương tích”; các bị can còn lại bị truy tố về tội "Bắt giữ người trái pháp luật", gồm: Nguyễn Trọng Sơn (SN 1977), Lê Văn Cảnh (SN 1989), Thái Quốc Xuyên (SN 1982), cùng ngụ phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang; Lê Ngọc Thực (SN 1993), Nguyễn Văn Cường (SN 1970), Nguyễn Khắc Hùng (SN 1984), Thái Văn Tuyên (SN 1976), Kiều Viết Đoái (SN 1985), cùng ngụ phường Pháo Đài, thị xã Hà Tiên và Danh Lượng (SN 1983), ngụ ấp Thu Đông, xã Thới Quản, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.

Theo cáo trạng của VKS Khu vực 2 Bộ đội Biên phòng, khoảng 22 giờ ngày 2-7-2016, tại vùng biển thuộc huyện An Minh (Kiên Giang), Hòa, Sơn, Cảnh, Xuyên, Thực, Cường, Hùng, Tuyên, Đoái và Lượng (đều là thuyền trưởng các tàu khai thác hải sản) đã gọi nhau qua máy bộ đàm rồi cùng nhau đuổi bắt tàu Hoàng Phúc của ông Liên Văn Cường Em (ngụ xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) chở tổ tuần tra để lấy lại giấy tờ đã bị thu giữ trước đó. Hòa và Sơn dùng 2 chiếc tàu do mình điều khiển để húc vào phần đầu và đuôi tàu Hoàng Phúc để ép buộc thuyền trưởng tàu này phải quay ngược lại. Ngay sau đó, các bị cáo dùng nước đá cục, vỏ ốc và các vật cứng ném. Chưa dừng lại ở đó, Hòa và Sơn cùng một số thuyền viên nhảy sang tàu Hoàng Phúc để đập phá tứ tung. Lúc này, Hòa cầm ống bơm đập vỡ kính cabin, đánh vào đầu ông Cường Em chảy máu và đánh quân nhân tên Chưng. Hòa và Sơn còn thực hiện bắt những người trên tàu Hoàng Phúc đưa sang nhiều tàu khác nhau rồi chở về vùng biển thuộc thị xã Hà Tiên. Khi các lực lượng chức năng truy tìm, biết không thể trốn tránh được nên các ngư phủ lần lượt trao trả các cán bộ trong tổ tuần tra cho lực lượng Biên phòng.

Đến 17 giờ 30 phút ngày hôm sau, toàn bộ tổ tuần tra được đưa vào bờ. Kết quả giám định thương tật cho thấy ông Cường Em bị đánh gây thương tích 14%. Trong khi đó, một số người khác cũng bị đánh vào lưng, vai, cổ, chân nhưng không bị thương tích gì. Riêng tàu Hoàng Phúc bị thiệt hại tài sản hơn 1,4 triệu đồng.

Tại phiên tòa, sau khi VKS trình bài xong bản cáo trạng, vị luật sư bảo vệ cho các ngư phủ là bị cáo trong vụ án đề nghị HĐXX cần xác định lại tội danh cũng như mức hình phạt cho từng bị cáo để tránh oan sai. Vị luật sư này cũng cho rằng VKS truy tố các bị cáo các tội danh “Cố ý gây thương tích” là chưa đầy đủ cơ sở vì cơ chế hình thành vết thương và vật chứng hung khí gửi đi giám định là không phù hợp. Ngoài ra, VKS truy tố các bị cáo về tội danh “Bắt giữ người trái pháp luật” cũng chưa thật sự chuẩn xác. Bởi lẽ, giữa hành vi “bắt” và hành vi “giữ” là hoàn toàn khác nhau. Trong vụ án này, các bị cáo không “bắt” người mà “giữ” người trái pháp luật. Do đó, vị luật sư này đề nghị HĐXX lưu tâm để xác định tội danh cho các bị cáo chuẩn xác hơn.

Sau giờ nghị án, Chủ tọa tuyên hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để VKS Khu vực 2 Bộ đội Biên phòng điều tra bổ sung một số tình tiết chưa được làm rõ trong hồ sơ vụ án.

Related Posts: