Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tham mưu (Cảnh sát PCCC TP.HCM) cho biết: “Nhà dân tự dựng các “lồng chim, chuồng cọp” là đang giam mình vào cửa tử. Khi xảy ra cháy nổ thì họ không có lối thoát ra ngoài được. Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến nơi phải vất vả dùng kìm, búa phá lồng sắt để có lối dẫn nước vào..."
Một vài “lồng chim” treo lơ lửng ở chung cư (Ảnh: T.Tuấn)
Hiện nay tại TP.HCM có rất nhiều nhà dân, biệt thự, khu chung cư dựng lên các “lồng chim, chuồng cọp” nhằm phòng tránh trộm cắp. Các thiết kế này được làm bằng sắt thép kiên cố.
Chiếc “chuồng cọp” kiên cố lắp trên sân thượng nhà dân ở TP.HCM (Ảnh: T.Tuấn)
Đi trên các tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Phan Văn Trị, Lê Văn Sỹ... sẽ dễ dàng bắt gặp nhiều kiểu “lồng chim, chuồng cọp” sơn đủ màu sắc, nhiều hình dáng.
Theo nhiều người dân, do lo sợ bị trộm cắp đột nhập nên họ bảo vệ căn nhà bằng cách bịt kín các lối hở ở ban công sân thượng, khu vực cửa sổ. Một số người còn tận dụng các thiết kế này để có thêm diện tích phơi áo quần, trồng cây cảnh.
Theo tìm hiểu, mỗi chiếc “lồng chim” treo bên cửa sổ, hay “chuồng cọp” lắp trên sân thượng có chi phí dao động từ 1 đến 4 triệu đồng. Giá thành rẻ và dễ lắp đặt nên hầu như nhà dân nào cũng tự trang bị “phương tiện chống trộm” kiểu này.
Trao đổi với Báo, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tham mưu (Cảnh sát PCCC TP.HCM) cho biết: “Nhà dân tự dựng các “lồng chim, chuồng cọp” là đang giam mình vào cửa tử. Khi xảy ra cháy nổ thì họ không có lối thoát ra ngoài được. Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến nơi phải vất vả dùng kìm, búa phá lồng sắt để có lối dẫn nước vào.
Việc này gây tốn kém thời gian, nhiều khi phá được thì người bị nạn đã tử vong rồi. Trường hợp đã lỡ dựng “lồng chim, chuồng cọp” thì cần phải thiết kế cửa ra vào. Để khi cháy có thể mở lồng được ngay”.
Đại tá Nhật cũng khuyến cáo các nhà dân không nên sử dụng các kiểu thiết kế này. Cơ quan có thẩm quyền cần phải chấn chỉnh, xử phạt nếu tự ý xây dựng trái quy định.
Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC nhận định: “Trong phiên giải trình về phòng cháy chữa cháy mới đây với Hội đồng nhân dân TP, chúng tôi có đề cập đến việc cần thiết phải có lối thoát hiểm ở nhà dân, khu chung cư.
Các cơ quan có thẩm quyền như Sở Xây dựng, Trật tự đô thị, chính quyền địa phương cần phải quản lý chặt chẽ việc dựng các công trình phụ này, nhất là lưu ý đến việc thoát hiểm khi có cháy nổ.
Việc để người dân xây dựng nhiều như hiện nay là không nên. Người dân phải tự ý thức bố trí một lối thoát hiểm riêng cho nhà mình. Có thể “trổ” mái nhà, hông cửa sổ không có chấn song, chuẩn bị thang dây, đồ chữa cháy để dự phòng khi chẳng may gặp nạn”.