Ngày 17-4, ông Doãn Hữu Long, giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, cho biết đã yêu cầu Bệnh viện Mắt Đắk Lắk và Bệnh viện Mắt Tây nguyên (trụ sở tại TP Buôn Ma Thuột) tạm dừng đưa đón, tập trung bệnh nhân thông qua các chương trình khám từ thiện.
ảnh minh họa
Lí do của việc dừng này là hiện nguồn quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk đang có nguy cơ vượt quỹ, cần ưu tiên thanh toán cho các bệnh nhân đặc thù hơn.
“Khám từ thiện nhưng yêu cầu phải mang theo... thẻ bảo hiểm y tế”
Trước đó, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đắk Lắk phát hiện số tiền đề xuất thanh toán tại Bệnh viện Mắt Tây nguyên và Bệnh viện Mắt Đắk Lắk tăng cao. BHXH Đắk Lắk cho rằng có tình trạng hai bệnh viện này “thu gom” bệnh nhân về trụ sở chính khám chữa, từ đó thanh toán chế độ BHYT.
Cụ thể, theo một lãnh đạo BHXH Đắk Lắk, hai bệnh viện này đã sử dụng các chương trình khám sàng lọc, tổ chức xe đưa đón bệnh nhân từ nơi khám sàng lọc về bệnh viện chính để phẫu thuật mắt.
Trước khi về cơ sở để khám, các bệnh viện đã gửi kế hoạch khám sàng lọc đến các bệnh viện cơ sở, kế hoạch có ghi rõ khuyến mãi xe đưa đón và các bệnh nhân được yêu cầu mang theo thẻ BHYT và CMND. Các bệnh nhân được đưa đón hầu hết là bệnh nhân trên 55 tuổi, đối tượng chính sách, hộ nghèo... và có thẻ BHYT.
Sáu tháng đầu năm 2016, BHXH Đắk Lắk đã phải chi trên 26 tỉ đồng để thanh toán phí khám chữa bệnh. Khi phát hiện ra việc “thu gom” bệnh nhân, Bảo hiểm xã hội đã giám định ngược và xác định có tới 92% trường hợp được giám định thuộc diện “thu gom”.
Sau đó, BHXH Đắk Lắk đã có cảnh báo, đề nghị các đơn vị liên quan chấm dứt. Nhưng tình trạng này vẫn có dấu hiệu tiếp diễn.
Ông Trương Văn Sáng, giám đốc BHXH Đắk Lắk, cho rằng đã có dấu hiệu lợi dụng thanh toán BHYT, giới thiệu bệnh nhân tới bệnh viện trong các chương trình khám sàng lọc. Từ đây số tiền chế độ thanh toán cao lên.
Nhiều bệnh nhân khi khám sàng lọc dù không phải là bệnh cấp cứu nhưng vẫn được đề nghị đưa về bệnh viện để phẫu thuật.
Ông Sáng cho biết đã báo cáo sự việc lên Sở Y tế và UBND tỉnh Đắk Lắk. Hiện BHXH Đắk Lắk cũng tạm dừng việc thanh toán tổng số tiền trên 22 tỉ đồng chế độ bảo hiểm sáu tháng cuối năm 2016 của hai bệnh viện này (Bệnh viện Mắt Đắk Lắk 12 tỉ đồng và Bệnh viện Mắt Tây nguyên hơn 10,1 tỉ đồng).
Bảo hiểm xã hội Đắk Lắk cũng tạm ngưng kí hợp đồng với hai bệnh viện này cho tới từ 1-4 thì việc thanh toán mới được nối lại, nhưng khoản 22 tỉ bảo hiểm y tế vẫn đang bị “treo”.
“Chúng tôi đang làm báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội VN” – ông Sáng nói và cho biết hiện quỹ BHYT của Đắk Lắk đã vượt trên 50 tỉ đồng.
“Bệnh nhân đông là do khám chữa bệnh có uy tín!”
Ngoài tình trạng “thu gom” bệnh nhân, BHXH tỉnh Đắk Lắk cũng khẳng định hai bệnh viện này đã “thu dụng” bệnh nhân bằng nhiều hình thức khác, từ đó có nhiều bệnh nhân được khám theo diện BHYT không đúng quy định.
Ông Doãn Hữu Long cũng xác nhận hiện đoàn kiểm tra chuyên môn của sở đang kiểm tra hồ sơ thanh toán BHYT. Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đang làm việc với các bệnh viện liên quan.
“Chúng tôi không có thẩm quyền đồng ý hay không đồng ý việc bảo hiểm quyết toán khoản 22 tỉ cho hai bệnh viện mắt bởi đây là việc của hai bên. Tuy nhiên chúng tôi yêu cầu hai bệnh viện này không được tập trung bệnh nhân bởi hiện nay quỹ bảo hiểm đã rất căng, cần ưu tiên cho các đối tượng đặc thù hơn” - ông Long nói.
Trao đổi với PV Báo, đại diện Bệnh viện Mắt Tây nguyên và Bệnh viện Mắt Đắk Lắk đều khẳng định “làm đúng luật”.
“Việc đi khám từ thiện là nghĩa vụ của bệnh viện và đem lại quyền lợi cho những đối tượng thiệt thòi ở vùng sâu vùng xa. Khi phát hiện nhưng ca cần phải phẫu thuật, điều trị thì chúng tôi có nghĩa vụ tư vấn để lên điều trị tuyến trên.
BHXH tỉnh Đắk Lắk nói chúng tôi thu gom nhưng không đưa ra được văn bản, quy định nào đủ cơ sở pháp lý.
Còn việc tại sao số tiền thanh toán bảo hiểm của chúng tôi tăng cao là do lượng bệnh nhân đến điều trị, khám chữa bệnh ngày càng đông, việc này do uy tín của bệnh viện mà có” - bác sĩ CKII Trần Đình Tuấn, chủ tịch HĐTV Bệnh viện Mắt Tây nguyên, nói.