17/3/17

Sắp có iPad, smartphone cuốn gọn nhờ màn hình cảm ứng dẻo như cao su

Các thiết bị điện tử như iPad và điện thoại thông minh sẽ sớm trở nên gọn nhẹ hơn nhiều lần so với hiện tại nhờ màn hình cảm ứng có thể cuộn gập lại dẻo như cao su.


Vật liệu mới có thể nhận cảm ứng ngay cả khi bị cuốn, gấp… Ảnh: University Of British Columbia.
Vật liệu mới có thể nhận cảm ứng ngay cả khi bị cuốn, gấp… Ảnh: University Of British Columbia.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Science Advances khá thú vị. Theo đó, các kỹ sư của Đại học British Columbia đã thiết kế một loại màn hình gồm vật liệu dạng gel linh hoạt gắn với cảm biến, có thể nhận tiếp xúc ngay cả khi biến dạng.

Nó có thể dùng để chế tạo ra thiết bị điện tử có khả năng uốn cong, hoặc được sử dụng làm các dạng quần áo thông minh…

Nhiều nỗ lực phát minh ra màn hình cảm ứng linh hoạt (flexible touchscreen) trước kia đã thất bại vì các loại vật liệu khi áp dụng vào sản xuất thường không thể phân biệt giữa người dùng chạm và bị kéo căng do uốn, xếp… cũng như không hoạt động tốt khi bị thay đổi so với hình dạng ban đầu.

Các nhà khoa học đang rất hứng thú và vui mừng vì ngoài tính năng ưu việt, vật liệu mới này còn rất rẻ tiền. Ảnh: University Of British Columbia.

Tuy nhiên, vật liệu mới lại cho phép thiết bị tiếp tục hoạt động khi bị bẻ gập hoàn toàn và thậm chí vẫn chạy “ngon lành” sau khi bị đổ cà phê lên. 

Một người trong nhóm nghiên cứu, Mizral Saquib Sarwar, nói: “Công nghệ chúng tôi đang nghiên cứu là một cảm biến linh hoạt, cho phép các thiết bị cầm tay có thể giãn, linh hoạt, uốn cong và thậm chí có thể cuốn được”.

Anh này chia sẻ tiếp: “Cứ tưởng tượng là bạn có một chiếc máy tính bảng lớn và khi làm việc xong có thể cuộn hoặc gấp nó lại và để gọn trong túi, trong bóp ấy. Đồ điện tử xếp gọn được như thế chắc chắn là điều đáng chú ý tiếp theo trong ngành. Nó sẽ mở ra một chân trời mới về khả năng tương tác máy tính của con người”.  

Các kỹ sư cho biết thêm, bàn di chuột làm bằng vật liệu nói trên còn có khả năng phân định và phát hiện ra nhiều ngón tay cùng di chuyển một lúc - điều kiện cần thiết cho việc thu nhỏ trên điện thoại thông minh mà người dùng đang quen thuộc. 

Ngoài ra, vật liệu này có giá thành rất thấp nên dễ áp dụng trong cuộc sống thực tế. Giáo sư John Madden phát biểu: “Đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm tạo ra các thiết bị có thể đeo và chế tạo ra lớp da cho robot. Một trong những tính năng hấp dẫn là nó (cảm biến linh hoạt dùng vật liệu mới) sử dụng hai loại vật liệu có chi phí rất thấp. Ưu điểm này cho phép chúng ta đặt cảm biến ở khắp mọi nơi trong nhà và trên bề mặt của cơ thể nếu thích”. 

Related Posts: