Elon Musk vài hôm trước công bố SpaceX sẽ đưa 2 hành khách giấu tên lên quỹ đạo Mặt Trăng vào năm 2018 nhưng không cho biết giá tiền hay thông tin nào khác.
Ảnh: SpaceX
Trên thực tế, rất khó để đoán xem chi phí mà một người phải bỏ ra để tham gia vào một chuyến bay ngoài không gian chính xác là bao nhiêu. Nguyên nhân bởi vì để thực hiện một cuộc du hành vũ trụ, có rất nhiều khoản cần chi, trong đó có những khoản rõ ràng (như sản xuất tàu vũ trụ, tên lửa, nhiên liệu), nhưng bên cạnh đó cũng có những khoản phí không thể ước tính cụ thể như: trang thiết bị cần thiết để đào tạo phi hành gia, phí xây dựng và duy trì các bệ phóng, tiền lương cho nhân viên của trung tâm điều khiển trên mặt đất, kế hoạch giải cứu nhân viên, phi hành gia cũng như hàng khách đến nơi an toàn nếu có trường hợp khẩn cấp xảy ra.
Tuy nhiên, bấy nhiêu vẫn chưa đủ. “Đó bao giờ cũng là một câu trả lời phức tạp”, Daniel Huot, một phát ngôn viên của NASA, nhận định. Mặc dù không đưa ra con số chính xác, nhưng ông Musk cho biết chi phí cho sứ mệnh gửi người đến Mặt Trăng có thể xấp xỉ hoặc nhỉnh hơn một chút so với chuyến đi của tàu không gian lên Trạm vũ trụ quốc tế.
Hiện tại, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) phải trả cho cơ quan không gian Nga Roscosmos khoảng 81 triệu USD cho mỗi vé khứ hồi đi Trạm vũ trụ quốc tế bằng tàu Soyuz. Gần đây nhất, NASA đã mua 5 vé cho các phi hành gia của mình nhưng giá rẻ hơn một chút, khoảng 74.7 triệu đô. Kathryn Hambleton, một phát ngôn viên của NASA cho biết giá vé này bao gồm các chi phí cho việc:
- Huấn luyện cách vận hành tàu vũ trụ
- Sử dụng các bệ phóng và khởi động các bộ phận hỗ trợ
- Kiểm soát bay, “đỗ” tàu vào bến và rời bến
- Không khí, hàng tiêu dùng và các yếu tố hỗ trợ sự sống khác trên đường đến ISS
- Dịch vụ cứu hộ khẩn cấp khi trên quỹ đạo hoặc trong quá trình hạ cánh
- Dịch vụ y tế sau khi hạ cánh
- Sự thay đổi trọng lượng của phi hành đoàn và hàng hóa
Lý do mà NASA phải lệ thuộc vào Roscosmos cho đến hiện tại nằm ở việc cơ quan không gian Mỹ vẫn chưa có phương tiện do họ sản xuất để chuyên chở các phi hành gia lên trạm ISS kể từ năm 2011 sau khi chương trình tàu con thoi đã bị đóng cửa. NASA hy vọng họ sẽ thoát khỏi cảnh lệ thuộc này cũng như giảm bớt chi phí cho việc mua chỗ ngồi trên Soyuz bằng cách hợp tác với các công ty tư nhân như SpaceX và Boeing thông qua Chương trình Phi đội bay thương mại (Commercial Crew Program). Hiện SpaceX đã thực hiện một vài sứ mệnh giao hàng lên ISS rồi.
NASA ước tính rằng một vé khứ hồi tới trạm ISS dựa trên tàu SpaceX Crew Dragon hoặc Boeing CST-100 Starliner sẽ có giá khoảng 58 triệu USD. Về phần mình, đại diện Boeing và SpaceX đều không trả lời khi được hỏi về con số cụ thể.
Được biết, lộ trình 1 chiều từ mặt đất đến ISS kéo dài khoảng 354 km. Trong phát ngôn của mình, CEO Elon Musk cho biết tên lửa Falcon Heavy và tàu vũ trụ Dragon sẽ đưa hành khách đi sâu hơn vào không gian, ở khoảng cách lên đến 480.000 đến 640.000 km trước khi vòng về Trái Đất. Hiện vẫn chưa rõ hành trình của chuyến đi này sẽ như thế nào, bởi khoảng cách gần nhất giữa Trái Đất và Mặt Trăng chỉ vào khoảng 363.105 km.
Space Adventures, một cơ quan lữ hành chuyên sắp xếp lịch trình cho các chuyến bay ra ngoài không gian của Roscosmos, cho rằng con số cho một hành trình như vậy có thể gấp đôi chi phí để lên ISS, tức là khoảng 175 triệu USD mỗi vé. Được biết, công ty này từng đưa thành công 7 người lên Trạm không gian, họ cũng có kế hoạch đưa khách du lịch lên quỹ đạo quanh Mặt Trăng vào năm 2020; và đó là chi phí mà họ ước tính được. "Chúng tôi không thể đưa ra con số cụ thể hơn bởi có thể sẽ có nhiều biến đổi, bao gồm điểm đến, phương tiện, thời gian và các vấn đề khác”, Stacey Tearne, một phát ngôn viên của Space Adventures, chia sẻ.