Có rất nhiều sự kiện đã diễn ra trong năm nay, nhưng một trong những biến động văn hóa lớn nhất đó chính là sự “dấy” lên của những tin tức giả - các tuyên bố mà không có chứng cứ xác thực nào.
ảnh minh họa
Tại sao vẫn có người tin rằng Trái Đất là một mặt phẳng?
Những tuyên bố này được chia sẻ như thể đó là sự thực đã có bằng chứng, tìm hiểu xác thực (ví dụ như biến đổi khí hậu đang diễn ra ) .
Các nhà nghiên cứu đã đặt tên cho xu hướng này là ’phong trào chống khai sáng’ (anti-enlightenment movement) và đã có nhiều nghi vấn, thất vọng khi tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này. Tuy nhiên, một nhóm các nhà tâm lý học cuối cùng đã xác định được một số lí do quan trọng khiến chúng ta chối bỏ khoa học – và nó không liên quan đến phương pháp giáo dục hay trình độ trí tuệ của họ.
Trên thực tế, nghiên cứu này cho thấy những người bác bỏ các đồng thuận trong giới khoa học về các chủ đề như biến đổi khí hậu, sự an toàn của vắc xin và sự phát triển nói chung cũng quan tâm đến khoa học, và cũng được giáo dục tốt như đa số chúng ta.
Vấn đề là khi liên quan đến sự thật, mọi người thường suy nghĩ như những luật sư hơn là các nhà khoa học, nghĩa là mọi người có xu hướng tin tưởng dựa vào những thông tin, tài liệu họ đã từng biết đến trước đây.
Vì thế, nếu ai đó không nghĩ là con người đang gây ra biến đổi khí hậu, họ sẽ bỏ qua hàng trăm nghiên cứu ủng hộ kết luận đó, nhưng luôn tin tưởng vô điều kiện vào một nghiên cứu thể hiện sự ngờ vực về quan điểm này. Điều này còn được gọi là “định kiến nhận thức”.
“Chúng tôi nhận thấy một người có thể sẵn sàng bỏ qua sự thật thực tế để bảo vệ niềm tin của bản thân, bao gồm niềm tin tôn giáo, chính trị và cả những kỳ vọng cá nhân như việc tin rằng họ có thể chọn lựa một trình duyệt web tốt nhất” – Theo nhà nghiên cứu Troy Campbell từ Đại học Oregon.
Mọi người xem những sự thực là xác đáng hơn khi chúng có xu hướng ủng hộ ý kiến của họ. Khi chúng ngược lại với ý kiến cá nhân, họ đôi khi không hoàn toàn phủ nhận sự thật nhưng họ cho rằng sự thật ấy không đáng để tâm.
Dựa trên một loạt phỏng vấn mới cùng một bài phân tích tổng hợp nghiên cứu cùng vấn đề đã được công bố trước đây, kết luận này đã được trình bày tại một hội thảo chuyên đề được tổ chức vào cuối tuần qua, là một phần trong Hội nghị hằng năm tại San Antonio của Hiệp hội Nhân cách và Tâm lý xã hội.
Mục đích cuối cùng là tìm ra những vấn đề bất ổn trong việc truyền thông khoa học cũng như hướng giải quyết trong năm 2017.
Nghiên cứu này vẫn chưa đủ sức thuyết phục để được công bố chính thức. Nhưng kết quả cho thấy rằng chỉ tập trung vào các bằng chứng và dữ liệu không thể thay đổi suy nghĩ của một ai đó về một vấn đề cụ thể, khi đa số họ đều có những “sự thật” của riêng mình để bác bỏ các dẫn chứng đấy.
“Trong trường hợp có mâu thuẫn về các rủi ro xã hội - từ biến đổi khí hậu đến an toàn điện hạt nhân hay tác động của luật kiểm soát súng, các bên đối lập sẽ tìm kiếm thông tin khoa học” – Dan Kahan thuộc Đại học Yale, một trong các thành viên của nhóm tâm lý cho biết. Thế nhưng thay vào đó, các nhà nghiên cứu đề nghị xem xét tường tận “gốc rễ” của việc miễn cưỡng chấp nhận thông tin khoa học và cố gắng để tìm ra điểm chung để giúp mọi người dễ tiếp nhận những quan điểm mới.
Vậy, sự chối bỏ khoa học này đến từ đâu? Một phần lớn của vấn đề đã được các nhà nghiên cứu tìm thấy, đó là do mọi người liên kết các kết luận khoa học với các nhóm đảng phái chính trị hay xã hội.
Một nghiên cứu mới do Kahan thực hiện cho thấy rằng việc mọi người luôn luôn kén chọn các thông tin về khoa học vốn không có gì là mới mẻ. Tuy nhiên trước đây, ảnh hưởng của vấn đề này không lớn như hiện tại, vì kết luận khoa học thường được sự đồng ý của các lãnh đạo chính trị và văn hóa, và được đưa lên như là mối quan tâm hàng đầu của công chúng.
Kahan đã chia sẻ với Melissa Healy trên tờ Thời báo Los Angeles rằng giờ đây, các sự thật khoa học đang được nắm giữ như những món vũ khí trong một cuộc đấu tranh cho quyền lực văn hóa, và kết quả là một "môi trường truyền thông khoa học bị ô nhiễm".
Vậy bằng cách nào chúng ta có thể làm tốt hơn?
Theo Hornsey, thay vì truyền thông theo cách trực diện, hãy điều chỉnh thông điệp để chúng phù hợp với suy nghĩ, động lực của người nghe. “Ví dụ như với những người theo chủ nghĩa hoài nghi về việc thay đổi khí hậu, hãy tìm ra những vấn đề sẽ khiến họ đồng tình và sau đó điều chỉnh các thông điệp về khí hậu dựa trên các điểm đó.”
Các nhà nghiên cứu vẫn đang tập hợp để công bố các phát hiện của họ, tuy nhiên họ cũng đã trình bày công trình nghiên cứu của mình cho cộng đồng khoa học để mở rộng truyền thông và thảo luận kĩ càng hơn xung quanh chủ đề này.
Hornsey đã nói với tờ LA Times rằng các cuộc tranh luận đã lên tới đỉnh điểm đến mức không thể tiếp tục phớt lờ “phong trào chống khai sáng”.
“Phong trào "nói không với vắc xin" đã khiến nhiều người mất mạng”, Hornsey nói. “Chủ nghĩa hoài nghi biến đổi khí hậu làm chậm đi phản ứng toàn cầu đối với mối đe dọa lớn nhất xã hội, kinh tế và sinh thái trong thời đại chúng ta”
Ông cho biết thêm: “Chúng ta lớn lên trong một kỷ nguyên mà những lý do và chứng cứ xác thực là phượng tiện giúp chúng ta hiểu rõ thế giới xung quanh; không phải là sự sợ hãi, lợi ích nhóm, quan điểm truyền thống và niềm tin”. “ Nhưng sự gia tăng của chủ nghĩa hoài nghi biến đổi khí hậu và phong trào "nói không với vắc xin" làm cho chúng tôi nhận ra rằng những giá trị mở rộng tri thức đang bị tấn công”.