Gianfranco Lanci, COO của Lenovo, cho biết việc thiết hụt nguồn cung DRAM, SSD, pin và màn hình LCD đã khiến chi phí tăng, tức là giá bán cũng tăng và điều này sẽ còn tiếp tục tới ít nhất là quý 2 năm nay.
ảnh minh họa
Intel mới đây cũng nói rằng giá bán chip của họ cao nhất từ năm 2011 đến nay và đã tăng 7% so với năm ngoái, tức là cho phí để làm ra một chiếc PC cũng cao hơn. Trong khi đó, SSD bị thiếu là do nguồn chip NAND - con chip lưu dữ liệu - không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường mặc dù SSD đang ngày càng phổ biến hơn. Tương tự cho DRAM, giá của nó đã tăng 30% trong ba tháng cuối năm 2016 so với một năm về trước và trong quý này có thể tăng lên 40%.
Ngoài ra, OEM cũng sẽ giới hạn tùy chọn cấu hình của thiết bị để kiểm soát chi phí tốt hơn. Ví dụ, Dell XPS 13 có giá 799$ cho bản 128GB, RAM 4GB và Core i3. Nếu bạn muốn nâng lên SSD 256GB, bạn buộc phải chọn cấu hình Core i5 và 8GB tuy rằng không cần nhiều sức xử lý đến vậy, và giá khi đó cũng tăng thành 1099$. Hay SSD 512GB chỉ có mặt trong cấu hình Core i7 + màn hình cảm ứng 3200 x 1800, giá cho bộ này là 1749$.
Nhưng theo PCWorld, mặc dù giá máy tăng nhưng điều đó sẽ khiến các hãng làm PC kiếm được lợi nhuận nhiều hơn vì họ đang tập trung vào việc tối ưu hóa phần lời tính trên mỗi chiếc máy bán ra. Game thủ và thế hệ người dùng mới cũng đang có xu hướng chi nhiều tiền hơn cho PC. Dự báo tỉ trọng của laptop, desktop và máy 2 trong 1 trong thời gian tới sẽ thay đổi để chạy theo xu hướng mua sắm này. PC giá rẻ vẫn còn đó nhưng không đủ hấp dẫn với các nhà sản xuất.