Theo tục lệ, có bắt vợ' thì người đàn ông mới chứng minh sự thật lòng với người yêu, sự mưu trí, dũng cảm của mình.
ảnh minh họa
Mới đây trên một trang diễn đàn lớn dành cho giới trẻ vừa đăng tải đoạn video chia sẻ về màn ’bắt vợ’ của một nhóm người dân tộc thiểu số diễn ra vào mùng 4 Tết tại đèo Mã Pí Lèng, tỉnh Hà Giang, khiến dân mạng xôn xao.
Xem Video: Cận cảnh màn bắt vợ trên Mã Phì Lèng ngay sáng mùng 4 Tết
Được đăng kèm dòng chú thích ngắn gọn ’Biết là phong tục nhưng nhìn phản ứng dữ dội của cô gái mà...’ chỉ sau ít giờ đoạn clip này đã nhận được hơn 40.000 lượt thích cùng hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận.
Trong video, một cô gái trẻ (cô gái bị bắt về làm vợ) trong trang phục áo trắng, quần đỏ, quàng khăn kín đầu ngồi bệt xuống đường và có một nam thanh niên (được cho là chàng trai bắt vợ) ôm chặt từ phía sau. Có rất nhiều chàng trai trẻ vây quanh đôi nam nữ cười đùa vui vẻ, thỉnh thoảng một vài chàng trai trong đám đông đó xông vào kéo cô gái đi thì chàng trai ôm cô từ phía sau giữ lại. Cô gái cũng phản ứng, giãy giụa rất dữ dội tỏ ý không muốn theo. Được biết tục ’bắt’ vợ này là của người dân tộc Mông.
Ngay sau khi xuất hiện trên mạng xã hội, sự việc tạo ra hai luồng tranh luận gay gắt. Một luồng ý kiến cho rằng đây chỉ là nét phong tục tập quán, thực chất đôi trai gái này đã đồng ý đến với nhau, nhưng cô gái cố tình phản ứng dữ dội vì theo quan niệm người con gái bị bắt về làm vợ càng phản ứng mạnh thì sau này càng hạnh phúc. Luồng ý kiến khác lại cho rằng đây là một phong tục quá lạc hậu và cần phải loại bỏ.
Được biết, tục ’bắt vợ’ đã tồn tại trong công đồng người Mông như một nét văn hoá từ lâu đời. Theo tục lệ này, cô gái dù biết trước mọi chuyện vẫn phải tỏ ra là bất ngờ, kêu toáng lên. Không những thế, cô gái phải giả vờ kêu cứu, khóc lóc để người nhà mình đến cứu. Người dân tộc Mông quan niệm rằng cô gái bị kéo về làm vợ mà không khóc lóc, kêu la thì đó là một ’đứa con gái rẻ rúng và hư hỏng’ sẽ bị gia đình và làng xóm coi khinh. Đồng thời, theo phong tục người Mông, trong cuộc bắt vợ, nếu như cô gái khóc càng to, phản ứng càng quyết liệt thì đôi đó càng hạnh phúc, con đàn cháu đống.
Thiếu nữ gào khóc, giãy giụa khi bị bắt về làm vợ. Ảnh cắt từ clip.
Già làng Thào A Dính ở bản Mùa Xuân (huyện Mường Lát) kể: ’Người Mông quan niệm, có bắt vợ thì người đàn ông mới chứng minh sự thật lòng với người yêu, sự mưu trí, dũng cảm của mình. Bắt vợ là thử thách cuối cùng để trai gái trở thành vợ chồng’.
Xem Video: Cận cảnh đi bắt vợ vùng cao, đỡ phải yêu
Từ bao đời nay, tục lệ này của người Mông vẫn tồn tại. Tuy gọi là ’bắt vợ’ nhưng không mang tính cướp đoạt mà chỉ thể hiện tình yêu đôi lứa mãnh liệt và ao ước tiến đến hôn nhân. Về mặt nào đó, tục bắt vợ của người Mông còn khẳng định sự tự do hôn nhân và đấu tranh với những thủ tục lạc hậu như thách cưới, môn đăng hộ đối hoặc có sự đòi hỏi quá nặng của nhà gái.