“Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ mới, kỷ nguyên của kết nối internet vạn vật, vật liệu mới, tự động hóa và trong tương lai gần là trí tuệ nhân tạo. Ðây có thể là thách thức, đòi hỏi nỗ lực rất lớn, đặc biệt đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Nhưng đây không phải là cuộc chơi được mất mà là cơ hội chia sẻ, hợp tác, phát triển”, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang nói.
Chủ tịch nước Trần Ðại Quang gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: Yên Ba.
Chung sức hành động
Năm 2016 là một năm đánh dấu nhiều hoạt động sôi nổi, đặc biệt trên lĩnh vực ngoại giao. Sau khi được Quốc hội tín nhiệm bầu, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang đã có những chuyến thăm và làm việc quan trọng, có ý nghĩa to lớn, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, gắn bó lâu dài giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Một trong những sự kiện đáng chú ý, khi Chủ tịch nước Trần Ðại Quang là nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam tham dự và phát biểu tại đối thoại Singapore. Tại đây, nguyên thủ quốc gia Việt Nam đã gợi lại những thành quả chung của quốc tế, khi nhiều mục tiêu thiên niên kỷ được thực hiện, nhân loại vững tin hơn khi các quốc gia cùng thống nhất những định hướng phát triển chung. Hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ngày càng trở thành nhu cầu tất yếu của nhân loại.
“Quá trình quốc tế hóa sản xuất và sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu làm thay đổi phương thức sản xuất, quan hệ lao động và cuộc sống của mỗi người. Ðây là xu thế khách quan, đồng thời là nhu cầu chủ quan, không thể đảo ngược. Ðiều chúng ta có thể làm là cùng nhau chung sức để biến xu thế này thành cơ hội hợp tác, phát triển bền vững và phồn vinh”.
Chủ tịch nước Trần Ðại Quang
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức lớn mà thế giới đang phải đối mặt, trong đó xung đột vũ trang, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, hay khủng bố quốc tế tiếp tục gia tăng với quy mô, tần suất, tính chất mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Các nguy cơ an ninh phi truyền thống, nhất là chiến tranh mạng, làn sóng di cư, an ninh nguồn nước, năng lượng, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu có mức độ tàn phá rất lớn về con người, của cải hơn bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào. Quá trình quốc tế hóa sản xuất và sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu làm thay đổi phương thức sản xuất, quan hệ lao động và cuộc sống của mỗi người.
“Ðây là xu thế khách quan, đồng thời là nhu cầu chủ quan, không thể đảo ngược. Ðiều chúng ta có thể làm là cùng nhau chung sức để biến xu thế này thành cơ hội hợp tác, phát triển bền vững và phồn vinh”, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang nêu, đồng thời cũng đưa ra cảnh báo vấn đề biển Ðông, đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường an ninh khu vực, nhất là tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, có nguy cơ làm “xói mòn lòng tin”, ảnh hưởng đến tiến trình hợp tác khu vực.
“Nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột vũ trang thì không có người thắng, người thua, mà tất cả cùng thua”, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đó, ước vọng về hòa bình, an ninh và phát triển bền vững đối với khu vực càng cháy bỏng hơn bao giờ hết. Nhưng ước vọng vẫn mãi là ước vọng nếu không có hành động; cơ hội sẽ trở thành nuối tiếc nếu không được nắm bắt; và triển vọng sẽ chỉ là thất vọng nếu ta thiếu quyết tâm.
Chủ tịch nước Trần Ðại Quang và Phu nhân tại Vườn hoa lan Quốc gia Singapore.
Cơ hội đang chờ đón
Ðề cập đến bối cảnh trong nước, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang chia sẻ, thế kỷ 20, dân tộc Việt Nam đã phải chịu nhiều hy sinh, mất mát, đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Song với sự hợp tác giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, với ý chí và tinh thần tự lực, tự cường, nhân dân Việt Nam đã vươn lên từ áp bức, đứng lên từ đổ nát và đi lên từ nghèo nàn, lạc hậu. Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Mặc dù vậy, Chủ tịch nước cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức: Kinh tế phát triển nhưng chưa vững chắc, nợ công tăng nhanh, nợ xấu đang giảm dần nhưng còn ở mức cao; cơ cấu nguồn nhân lực mất cân đối, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ tiếp tục là những yếu tố cản trở sự phát triển.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang nhấn mạnh, Việt Nam tiếp tục phát huy cao độ tinh thần yêu nước, huy động mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân, đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Trong quan hệ đối ngoại, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Trong vấn đề biển Ðông, chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình thông qua các tiến trình chính trị, ngoại giao, pháp lý, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, yêu cầu các bên liên quan nghiêm chỉnh thực hiện DOC và đàm phán thực chất COC.
“Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ mới, kỷ nguyên của kết nối internet vạn vật, vật liệu mới, tự động hóa và trong tương lai gần là trí tuệ nhân tạo. Ðây có thể là thách thức, đòi hỏi nỗ lực rất lớn, đặc biệt đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Nhưng đây không phải là cuộc chơi được mất mà là cơ hội chia sẻ, hợp tác, phát triển”, Chủ tịch nước nhìn nhận.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC tại Peru vừa qua, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh trọng tâm của những năm tới là đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, bao trùm và công bằng. Trong xu thế hội nhập toàn cầu, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền, minh bạch, hiệu quả, vì người dân và doanh nghiệp.
Trong một thế giới toàn cầu hóa đầy biến động, hơn bao giờ hết, APEC cần tiếp tục khẳng định vai trò khởi xướng ý tưởng, động lực của sáng tạo, tăng trưởng và liên kết kinh tế. Ðây là thời điểm chúng ta cần chung sức, đồng lòng tạo động lực mới, làm sống động thương mại và đầu tư. Ðây chính là động lực cho phát triển bền vững, bao trùm và tăng trưởng công bằng vì người dân...
“Những cơ hội mới và tiềm năng hợp tác to lớn đang chờ đón tất cả chúng ta” chính là điều Chủ tịch nước Trần Ðại Quang nhắn nhủ tới cộng đồng doanh nghiệp trong Năm APEC 2017 được tổ chức tại thành phố biển Ðà Nẵng của Việt Nam.