Nhiều cha mẹ hiện nay đang quá chú trọng đến dạy con trong sách vở tại nhà trường hay các trung tâm đào tạo mà quên mất việc dạy con văn hóa trong gia đình và các kĩ năng cơ bản hằng ngày khiến trẻ em Việt chỉ biết học mà không biết hoặc không muốn học những việc xung quanh, kể cả kĩ năng sinh tồn cơ bản. Vì sao lại nên nông nỗi này, phải chăng các thế hệ “vàng” tương lai đang được đào tạo giống với các con gà công nghiệp?
Nhiều bố mẹ mắc sai lầm trong giáo dục con cái (Ảnh: Trần Vương)
Khóc, cười chuyện về quê
Cứ mỗi dịp cuối năm, chị Nguyễn Thị Du (Hoàng Mai, Hà Nội) lại phải chật vật làm tư tưởng cho con để về quê ăn Tết. Chị kể, mình là người Thái Bình, lấy chồng ở Hà Nam, nhà hai bên cũng đều làm nông vất vả nên điều kiện kinh tế cũng bình thường. Hai đứa con nhà mình sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Vì vậy, mỗi lần về quê ăn Tết, hai cháu thường rất khó chịu, không hòa nhập được với cuộc sống ở quê, không quen tiếp xúc với nhiều người lạ và luôn bám chặt lấy mẹ, không chịu rời. Không những thế, các cháu còn tỏ ra chê bôi những thứ ở quê, sợ bẩn, sợ không đầy đủ, sạch sẽ như ở nhà.
Cũng bắt gặp tình cảnh tương tự, chị Thanh Huyền (Cúc Phương, Nho Quan, Ninh Bình) được phen “há hốc mồm” khi anh chị cho cháu từ thành phố về quê chơi. Huyền cho biết, cậu cháu dù đã học lớp 10 mà về quê chỉ giương mắt nhìn mọi người không chào hỏi, cho đến khi mẹ nhắc: “Chào ông bà, cô chú đi con”, cậu mới lí nhí một câu rồi chẳng nói chẳng rằng gì, chăm chăm vào điện thoại để lên mạng. Đến khi ăn cơm, cậu cũng chẳng mời ai, ăn thì gẩy tung đĩa thức ăn lên để chọn, suốt bữa ăn lầm lì rồi ăn xong buông đũa đứng dậy đi vào phòng. Không những thế, cậu cháu cũng không giao tiếp nhiều với mọi người, cái gì cũng gọi bố mẹ và không chơi cùng với các em ở quê vì chê em đen đủi, nhếch nhác.
Chuyện trẻ không hoà nhập được với người lạ, với cuộc sống dường như đang diễn ra khá nhiều trong xã hội hiện nay. Vừa qua, dư luận cũng được phen “dậy sóng” bởi chuyện cô kĩ sư trẻ người Hà Nội hiện đang làm cho một tập đoàn nổi tiếng của Nhật Bản với mức lương đáng mơ ước nhưng khi tham gia chương trình “Ai là triệu phú” của VTV đã phải dùng quyền được trợ giúp khi trả lời hai câu hỏi đầu tiên của chương trình. Sau sự việc này, cô bị cộng đồng mạng “ném đá” dữ dội bởi hai câu hỏi đó thuộc kiến thức khá cơ bản và gần gũi với cuộc sống. Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây là sự giáo dục trong gia đình, phải chăng bố mẹ đang quá buông lỏng, nuông chiều con cái.
Trăn trở này có lẽ không chỉ dừng lại ở một vài gia đình mà cần cả xã hội nhìn nhận và vào cuộc. Chính vì thế, mới đây, trong một buổi thăm và làm việc tại một trường đại học, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, nhiều khi phụ huynh quá chú trọng nâng cao kiến thức phổ thông cho con song lại quên mất dành thời gian để giáo dục con lề lối, khuôn phép giao tiếp với người thân, văn hoá trong gia đình. "Giáo dục của chúng ta phải rất coi trọng đến văn hóa gia đình, mà trước hết là với ông bà, cha mẹ, người thân phải được tôn trọng trước. Bản thân có giao tiếp với người thân, với bố mẹ tốt thì người ngoài nhìn vào họ mới quý mình....", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Những sai lầm từ bố mẹ
Bàn về nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em thiếu kĩ năng sống, sống hời hợt, Th.s - Nữ hoàng doanh nhân 2015 Ngô Thị Kim Chi cho rằng, bên cạnh giáo dục từ nhà trường, không môi trường nào có ảnh hưởng đến hành vi của trẻ nhỏ bằng gia đình. Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên với con, quan hệ ruột thịt là nhân tố có sức cảm hóa giúp trẻ tự hấp thụ những giá trị gia đình một cách hiển nhiên. Gia đình rất cần có những quy tắc, lối sống chuẩn mực để hình thành bệ phóng cho những nhân cách của trẻ. Và cha mẹ là nhân tố quan trọng nhất trong bệ phóng đó.
Chuyên gia Kim Chi chỉ ra hai nguyên nhân chính từ sai lầm của bố mẹ là hoặc do bố mẹ quá quan tâm hoặc do bố mẹ thờ ơ. Bà Kim Chi nêu một số các minh chứng cho hành động bố mẹ bao bọc thái quá con như luôn hộ tống con trên mọi nẻo đường, tham vọng muốn biết hết mọi chuyện của con, không cho phép con tự quyết định, không cho phép con thất bại, luôn giải quyết rắc rối hộ con hay bệnh “con nhà người ta” tức là nhìn con nhà người ta để áp và ép vào con mình.
Bạn có thể nghĩ rằng bao bọc con là đang bảo vệ con, cho con một lá chắn an toàn. Nhưng thực tế nó lại đem lại những tác động tiêu cực. Nếu trẻ cứ mãi sống trong vòng tay chiều chuộng, che chở của bố mẹ như vậy thì lớn lên thường sẽ dựa dẫm, ỷ lại và thiếu quyết đoán.
Là những bậc cha mẹ thông thái, chúng ta hãy tránh xa những nỗi sợ hãi và ám ảnh như sợ nguy hiểm cho con, sợ con mình học kém bạn bè, sợ con mình sau này không vào được trường top… Hãy để con suy nghĩ và tìm cách xử lý mọi việc theo cách của trẻ. Bố mẹ hãy là người định hướng và tư vấn cho con. Có như vậy, chúng mới hiểu cảm giác khi đạt thành quả tuyệt vời như thế nào, điều này cũng sẽ giúp chúng tự tin hơn.
Bên cạnh những bố mẹ quá bao bọc thì lại có trường hợp bố mẹ ngày thì bận làm việc, tối xem vô tuyến hoặc ngủ, để cho trẻ loay hay nơi muốn làm gì thì làm. Nếu thấy con mè nheo, hay làm gì trái ý là la mắng om sòm không cần tìm hiểu nguyên do. Chính điều này làm cho cha mẹ, con cái dần hình thành khoảng cách. Thậm chí, nhiều đứa trẻ sẽ đánh mất sự tự tin, sợ hãi giao tiếp với chính bố mẹ. Khi không có sự chia sẻ với nhau, cha mẹ sẽ khó lòng nắm bắt được những sự thay đổi tâm lý và dạy dỗ con đúng hướng. Cũng có trường hợp cha mẹ bận nên con được lập trình lộ trình sẵn, áp dụng phương pháp nuôi dạy theo kiểu “công nghiệp”: Giờ nào thì ăn, giờ nào thì chơi, xem tivi, và giờ nào thì ngủ… Điều này tiềm ẩn nguy cơ biến trẻ thành một cỗ máy lặp đi lặp lại.
Th.s - Nữ hoàng doanh nhân 2015 Ngô Thị Kim Chi cho rằng, bên cạnh giáo dục từ nhà trường, không môi trường nào có ảnh hưởng đến hành vi của trẻ nhỏ bằng gia đình (Ảnh: HN)
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất p Giám đốc Cty tư vấn tâm lý An Sơn Việt - bày tỏ sự xót xa: Trẻ nhỏ đang rất thiệt thòi! Chúng được thụ hưởng đời sống vật chất đầy đủ nhưng đời sống tinh thần lại thiếu hụt về sự trưởng thành bởi kĩ năng dạy con của bố mẹ, của các thầy cô giáo và kĩ năng quan hệ giao tiếp với các cháu ở tuổi này. Cả 3 thành phần gia đình, nhà trường, xã hội đều đang chú trọng đến học thật nhiều chứ không gợi mở và nâng cao tư duy cho trẻ nhỏ, không để trẻ tự quyết định chính mình mà chỉ muốn trẻ làm theo. “Nếu cứ như vậy, không cẩn thận nhà trường, gia đình sẽ biến trẻ em thành những nô lệ, bắt phải làm theo ý người lớn và không dạy con tự làm chủ cuộc sống”, ông Chất nói.
Nguyên nhân được Giám đốc Cty tư vấn tâm lý An Sơn Việt chỉ ra là, do người lớn thiếu cách chăm sóc cho trẻ. Khi trẻ thiếu hụt, mắc lỗi lại luôn đổ hết lên đầu các cháu mà không nhận ra trách nhiệm của mình. “Không có trẻ con hư mà chỉ người lớn chưa biết dạy các cháu, chưa có trẻ con thiếu sót nếu người lớn chưa biết gợi mở để các cháu làm tốt hơn”.
Để chứng minh cho nhận định đó, ông Chất nêu ví dụ, một bà mẹ gọi con đến vài câu thì đứa trẻ sẽ nói: “Mẹ gọi gì mà gọi lắm thế”, câu đó có phải tại cháu không. Tôi cho rằng không phải hoàn toàn do các cháu mà tại vì người mẹ đã làm như thế với cháu rồi. Đáng lẽ, giáo dục các cháu thì mẹ phải đến gần và nói: “Mẹ biết con không muốn trả lời câu ấy. Con định nói con đang dở việc mẹ cho con thêm vài phút nữa”. Đấy mới là dạy con để sau này con nói. Còn hiện tại, hầu hết các ông bố, bà mẹ sẽ cho con một “bài ca không quên” về việc này. Đấy không phải là dạy bảo cho các cháu mà đang là làm nhục các cháu, khiến các cháu trở nên ghét bố mẹ và bị mất phương hướng, không tự chủ và làm ra những điều không đúng.