Dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn có vốn đầu tư 9 tỷ USD đang bị chê có hạ tầng cảng nhỏ, khả năng tiếp nhận hàng của hệ thống giao nhận hạn chế...
Chậm bàn giao 2 tháng, Lọc hoá dầu Nghi Sơn còn bị chê có hệ thống cảng giao nhận nhỏ, không tương xứng với tầm vóc một dự án lớn.
Thực tế này được các doanh nghiệp nêu tại Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn ngày 17/1.
Ông Nguyễn Quang Kiên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết đã rất nhiều lần góp ý với chủ đầu tư, nhà thầu dự án về cơ sở hạ tầng giao nhận của dự án, song không hiểu vì sao “những góp ý của chúng tôi lại không hề được tiếp thu”. Phó tổng giám đốc Petrolimex cho rằng với điều kiện hạ tầng cảng chỉ với 4 cầu cảng có năng lực tiếp nhận tàu công suất lớn nhất 3 vạn tấn… sẽ khó đáp ứng nhu cầu xuất - nhập hàng khi đi vào vận hành.
Chưa kể, hệ thống xuất bộ của dự án này quá nhỏ, chỉ đủ cung cấp hàng cho tỉnh Thanh Hoá (chiếm khoảng 5% sản lượng), trong khi nhu cầu xuất hàng đường bộ có thể lên tới 30%. Điều ông Kiên lo ngại hơn là muốn nhập hàng bằng đường thuỷ, tàu chở dầu của Petrolimex phải di chuyển từ Nghi Sơn đến cảng Cái Lân (Quảng Ninh), chi phí tăng lên.
"Nguyên tắc là cảng chờ tàu, chứ không phải tàu chờ cầu cảng. Chúng tôi chỉ có thể cam kết tiêu thụ sản phẩm tối đa nếu chủ đầu tư cung cấp đầy đủ hạ tầng giao nhận. Còn nếu không dù giá của Nghi Sơn có rẻ, nhưng hạ tầng giao nhận không đáp ứng thì chúng tôi vẫn mua của Dung Quất", lãnh đạo Petrolimex thẳng thắn.
Sau khi đi thực địa dự án, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH thương mại & dịch vụ Hưng Long (TP HCM) cho hay bản thân cũng quan ngại về hệ thống cảng biển dự án này sơ sài, không đủ năng lực đón tàu công suất lớn. Nếu nhập hàng nước ngoài, ông Quỳnh cho biết chỉ mất 3-4 ngày hàng về đến cảng. Còn với hệ thống của Dung Quất, và tới đây là Nghi Sơn thì phải 15 ngày sau doanh nghiệp đầu mới mới nhận được hàng.
"Việc nhận hàng muộn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Dự án lớn như Nghi Sơn mà chỉ có bốn cầu cảng là quá ít”, ông Quỳnh chia sẻ.
Bà Chu Thị Thành - Giám đốc Công ty Thiên Minh Đức kể trong quá trình xây dựng kho chứa và cảng, doanh nghiệp của bà đã nhiều lần phải điều chỉnh thiết kế ban đầu để sát với thực tế, như nâng công suất tiếp nhận từ tàu 2 vạn lên 4 vạn tấn và 3 cầu cảng. Vì thế với một dự án quy mô lớn như Lọc dầu Nghi Sơn mà chỉ có 4 cầu cảng xuất - nhập hàng, hơn một cầu cảng so với "cảng nội bộ của một doanh nghiệp" thì không ổn.
“Nghi Sơn chỉ có 4 cầu cảng sẽ rất kẹt nếu nhiều tàu vào một lúc. Như thế chi phí của doanh nghiệp sẽ đội lên chi phí và kế hoạch chuyển hàng về kho nội bộ của các đầu mối kéo dài hơn”, bà Thành phân tích.
Phản hồi những ý kiến của doanh nghiệp về hệ thống hạ tầng cảng chưa xứng tầm với quy mô một dự án lớn như lọc dầu Nghi Sơn, ông Yamaka - Trưởng phòng thương mại của nhà máy cho hay đây là lần đầu tiên ông nghe được những ý kiến phàn nàn của doanh nghiệp, dù trước đó những ý kiến này đã được nêu nhiều tại các cuộc họp giữa doanh nghiệp đầu mối và PetroVietnam, Bộ Công Thương.... Ông Yamaka thừa nhận với bản thiết kế được phê duyệt từ năm 2009 thì tình hình phân phối sản phẩm thực tế đã thay đổi nhiều so với trước.
“Chúng tôi cam kết phục vụ tốt nhất nhu cầu của các doanh nghiệp và đang cố hết sức xin được giấy phép mở cảng, tiếp nhận tàu tới 4 vạn tấn”, ông Yamaka nói.
Chưa hài lòng với lý giải của lãnh đạo Lọc hoá dầu Nghi Sơn, Phó tổng giám đốc Petrolimex - ông Nguyễn Quang Kiên nói lãnh đạo nhà máy mới hiểu một phần ý kiến kiến nghị của doanh nghiệp. Theo ông, dù nhà máy có nâng công suất tiếp nhận tàu của cảng từ 3 vạn lên 4 vạn tấn cũng không giải quyết được gì. Vấn đề ở chỗ số lượng cầu cảng không đủ để tiếp nhận tàu. “Số lượng cầu cảng quá ít, công suất cầu cảng quá nhỏ trong khi chúng ta có quá nhiều sản phẩm để xuất bán. Không có nhà máy nào trên thế giới có công suất lớn mà lại có hệ thống cảng quá nhỏ bé như dự án này”, ông Kiên nói.
Ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết những phản ánh của doanh nghiệp đầu mối xăng dầu về hệ thống cảng Nghi Sơn là đúng đắn. Bộ Công Thương đề nghị PetroVietnam, Công ty lọc hóa dầu Nghi Sơn tiếp thu, nghiên cứu, điều chỉnh hợp lý, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của doanh nghiệp.
Dự án Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn do Tập đoàn Idemitsu Kosan (Nhật) và Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI) góp vốn mỗi bên 35,1%, PetroVietnam nắm 25,1% và một đối tác Nhật Bản khác là Hóa chất Mitsui góp 4,7%. Dự án được khởi công năm 2008, công suất thiết kế 10 triệu tấn thô, lớn hơn hẳn 35% so với công suất của nhà máy lọc dầu Dung Quất (6,5 triệu tấn một năm).
Tổng vốn đầu tư của dự án là 9 tỷ USD, vốn điều lệ của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn là 2,44 tỷ USD.
Theo kế hoạch dự kiến trước đó, nhà máy sẽ hoàn thành phần cơ khí để chạy thử vào tháng 11/2016, đến tháng 7/2017 sẽ bắt đầu đưa vào vận hành thương mại. Tuy nhiên, công tác bàn giao cơ khí chậm 2 tháng so với hợp đồng EPC đã ký. Một trong những nguyên nhân của chậm trễ này là do thời gian nghỉ Tết năm trước quá dài. Rút kinh nghiệm năm nay nhà thầu đã trả thêm cho công nhân 50 USD một ngày để khuyến khích họ việc trên công trường trong ngày Tết.