17/1/17

Đề xuất buộc chủ ôtô mở tải khoản để xử phạt: CSGT mừng, lái xe lo!

Mới đây, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016 của Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội, đại tá Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội - đã đề xuất có quy định buộc các chủ ôtô mở tài khoản (TK) ngân hàng nhằm phục vụ cho việc xử phạt vi phạm giao thông. Về đề xuất này, nhiều cán bộ, cơ quan quản lý đồng tình cao, tuy nhiên, với những người trực tiếp là lái xe, chủ phương tiện ôtô hay một số chuyên gia thì cho rằng, việc bắt buộc mở thẻ bỏ tiền chỉ để nộp phạt gây nên nhiều băn khoăn, lo lắng và thiếu khả thi.


Cảnh sát giao thông TP.Hà Nội xử phạt lái xe vi phạm. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Cảnh sát giao thông TP.Hà Nội xử phạt lái xe vi phạm. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Để nâng cao trách nhiệm và ý thức giao thông?

Theo thống kê, hiện nay việc xử phạt vi phạm giao thông qua camera đang đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, khi hình ảnh ghi lại được gửi về phía cơ quan quản lý vẫn gặp không ít khó khăn do nhiều xe chưa sang tên đổi chủ. Từ những khó khăn, vướng mắc như vậy lãnh đạo Công an Hà Nội đã có đề xuất buộc các chủ ôtô mở tài khoản (TK) ngân hàng để xử lý qua tài khoản khi vi phạm. Đây không phải lần đầu phía lãnh đạo Công an TP đưa ra vấn đề này, mà trước đó cũng đã đưa ra nhưng chưa được đưa vào thực hiện. Tất cả mới chỉ dừng lại ở đề xuất ý kiến.

Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội đề nghị Cục CSGT (C67) tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công an kiến nghị Chính phủ quy định khi đăng ký ôtô phải có TK ngân hàng. Theo đại tá Hải, việc mở TK sẽ tạo thuận lợi cho quá trình xử lý vi phạm giao thông. Ngoài việc xử lý về mặt vi phạm còn quản lý được những trường hợp sang tên đổi chủ. Nếu làm được như vậy thì trách nhiệm của mỗi người, mỗi chủ phương tiện cao hơn.

Đồng quan điểm với lãnh đạo này, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ (nguyên cán bộ xử lý vi phạm giao thông Đội CSGT số 1 - Công an HN) cho rằng, đây là một đề xuất khá hay, ở nước ngoài người ta cũng đã thực hiện rồi. Theo thượng tá Quỹ, nếu xử lý hình ảnh đưa vào tài khoản, thì trách nhiệm và ý thức của người tham gia giao thông sẽ cao lên. Đặc biệt, đối với cơ quan nhà nước, việc xử phạt này sẽ tăng hiệu quả rất cao, tránh tình trạng lạm chức, lạm quyền để xin xỏ khi vi phạm giao thông.

Còn ông Trần Ngọc Sơn - Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Lào Cai chia sẻ, trước tiên cần phải nhìn nhận ra thế giới, điển hình như nước Australia nếu vi phạm giao thông mà bị xử phạt thì người ta trừ vào tài khoản ngân hàng. Lần thứ nhất, người vi phạm không nộp thì cơ quan chức năng đến trao đổi. Lần thứ hai cũng vậy. Tuy nhiên, đến lần thứ ba nếu không nộp phạt thì sẽ bị khóa xe để không có hành vi vi phạm khác. Sau đó khởi kiện ra tòa. Theo ông Sơn là việc này cần phải triển khai sớm. Nếu xử lý công bằng thì không mấy ai bức xúc, thậm chí họ còn ủng hộ cao.

Trao đổi với Lao Động, thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt - Công an TP. Hà Nội cho hay, trường hợp mỗi chủ ôtô đều có tài khoản ngân hàng nhằm phục vụ cho việc xử phạt vi phạm giao thông, không chỉ thuận tiện cho người vi phạm mà cả các chiến sĩ CSGT. Theo thiếu tá Hùng, việc mở tài khoản này sẽ bắt buộc người mua xe phải sang tên đổi chủ, vì nếu không chủ phương tiện mới vi phạm sẽ bị trừ vào tài khoản ngân hàng của mình.

“Không chỉ có vậy, việc có tài khoản này có tránh tình trạng tác động của các bên liên quan… và đảm bảo công bằng cho những người tham gia giao thông. Khi có tài khoản rồi, các lái xe khi tham gia giao thông phải có ý thức cao hơn. Không chỉ vậy, người vi phạm không mất thời gian khi đi nộp phạt”, thiếu tá Hùng nhấn mạnh.

Để tạo một tài khoản ngân hàng mà chỉ dành riêng cho việc xử lý vi phạm giao thông là rất bất cập. Ảnh: C.NGUYÊN

Nhiều băn khoăn và lo ngại

Không phản đối đề xuất chủ ôtô mở tài khoản để xử lý vi phạm qua đây nhưng nhiều lái xe, chủ phương tiện tỏ ra băn khoăn và lo ngại. Theo anh Nguyễn Xuân Thông (31 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội), việc mở tài khoản để khi vi phạm giao thông có thể trừ tiền nếu làm được thì vấn đề này rất mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay nhiều chủ phương tiện không có nhu cầu mở thẻ mà họ muốn trực tiếp đi nộp phạt khi vi phạm. Liệu có thể tồn tại song song được không? Hay bắt buộc chỉ xử lý vi phạm qua thẻ ngân hàng.

Ngoài các băn khoăn trên, anh Thông đề xuất, lỗi vi phạm bị phạt nguội thì cơ quan xử lý gửi thư thông báo đến chủ xe và yêu cầu đến nộp phạt. Nếu chủ xe không chấp hành, lỗi vi phạm có thể lưu lại cho cơ quan đăng kiểm. Sau khi chiếc xe đó hết thời hạn đăng kiểm và đi đăng kiểm mới sẽ xử lý thu tiền phạt một thể.

Cũng theo anh Thông, liệu cách thực hiện xử phạt qua thẻ ngân hàng như thế nào? Trường hợp vi phạm giao thông thì bị trừ luôn tiền ở trong thẻ hay cơ quan quản lý gửi giấy báo về và xác nhận thì mới được trừ tiền.

Còn ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội chia sẻ, bản thân ông rất ủng hộ việc mở TK đối với ôtô. Việc này sẽ tạo ra sự minh bạch, xóa tình trạng tiêu cực khi người vi phạm thỏa thuận với cảnh sát và ngược lại. Tuy nhiên, để tạo một tài khoản này mà chỉ dành riêng cho xử phạt vi phạm giao thông thì bất cập.

Ông Liên phân tích, ở Việt Nam hiện nay chưa thể thực thi được vì ý thức của người dân đang chi tiêu bằng tiền mặt, chưa chi tiêu bằng tài khoản. Thứ hai, nếu mở một tài khoản thì số tiền trong tài khoản đó phải cao hơn hoặc tương đương mức phạt cao nhất của vi phạm giao thông. Theo đó, ít nhất tài khoản đó cũng phải có 20 triệu đồng. Nếu số tiền đó đối với cá nhân thì đơn giản, nhưng nếu một doanh nghiệp mà nhiều xe (có thể hàng trăm hoặc hàng nghìn xe) thì số tiền phải bỏ ra để mở tài khoản là rất lớn và rất khó khăn. Trước đề xuất như vậy, ông Liên mong rằng Bộ Công an cần phải phối hợp với Bộ Tài chính, ngân hàng và Bộ GTVT để đề ra phương án thích hợp nhất.

Related Posts: