Những việc làm vào ngày đầu năm mới thường được xem là quyết định số phận của cả một năm. Trong 3 ngày Tết bạn hãy thực hiện một số việc sau để cả năm luôn luôn may mắn, tài lộc đầy nhà nhé.
Phong bao lì xì còn tượng trưng cho tài lộc, nhận được càng nhiều thì tức là càng phát tài phát lộc.
Cũng như rất nhiều quốc gia châu Á thuộc nền văn minh nông nghiệp lúa nước, người Việt Nam rất coi trọng dịp Tết Nguyên Đán. Người Việt cũng có những phong tục riêng trong những ngày đầu năm mới với mong muốn cầu may, hạnh phúc và an lành.
Theo đó, người ta tin rằng trong ba ngày Tết chỉ nên làm những việc tốt đẹp, tránh phạm phải những điều kiêng kị không tốt để mọi việc trong năm mới được thuận lợi, suôn sẻ.
Dưới đây là một số việc nên làm ngày đầu năm để may mắn, tài lộc tới “gõ cửa” nhà bạn:
1. Mua muối đầu năm
Người Việt Nam từ xưa có câu “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Câu nói này gắn liền với hai tập tục của người Việt trong năm mới. Đó là vào những ngày đầu tiên của năm mới, người Việt có thói quen mua một chút muối về nhà lấy may cho cả năm còn những ngày cuối năm thì người ta mua lại vôi về để quét lại nhà, tường, cổng với hy vọng tránh được những điều không may.
Theo quan niệm của người xưa, muối là thứ mặn, chống xú uế, có thể xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Muối cũng là biểu tượng của tình cảm thắm thiết, mặn nồng, gắn kết, no đủ từ đó tục mua muối đầu năm được ra đời với ý nghĩa cầu mong sự đậm đà trong tình cảm gia đình, sự hòa thuận, gắn bó giữa vợ chồng, con cái. Vì vậy, sáng mùng 1 Tết thường có người rao muối dạo, các bà các mẹ sẽ mua vài đồng muối lấy may hoặc mua những túi muối nhỏ ở cửa đình, chùa.
2. Mua lửa đầu năm
Ngoài muối, dịp năm mới người Việt còn có tục mua lửa, có thể là mua bật lửa hay diêm cũng đều được. Theo quan niệm của người xưa, lửa tượng trưng cho may mắn, người ta mua lửa để hy vọng mang tài lộc, may mắn về nhà.
3. Mặc đồ màu đỏ
Trong dịp đầu năm, người Việt cho rằng mặc quần áo màu đỏ sẽ mang điềm lành và phúc lộc đến cho cả gia đình trong năm bởi sắc đỏ là biểu tượng của những điều vui vẻ, sung túc, may mắn. Đồ trang trí nhà cửa cũng được trang hoàng rực rỡ với sắc đỏ thắm may mắn này.
Ngoài ra, người ta cũng sẽ mặc quần áo mới để mong những điều mới mẻ, thể hiện ước muốn có nhiều bước phát triển mới sẽ đến với mình trong năm mới. Không chỉ mặc đồ đỏ, màu vàng cũng được coi là màu may mắn.
4. Đi chùa cầu may và hái lộc
Đầu năm lên chùa cầu may đã trở thành một thói quen và nét đẹp văn hóa của phần lớn người dân Việt. Vào chùa, mọi người đều kính cẩn cúi đầu hành lễ trước tượng phật uy nghiêm để xin đức phật phù hộ cho gia đình, người thân và bạn bè một năm đủ đầy hạnh phúc và gặp nhiều may mắn.
Sau khi lễ Phật, người Việt Nam còn có tục bẻ lấy một “cành lộc” mang về nhà để lấy may, lấy phước. Cành lộc có thể là một cành đa nhỏ hay cành đa, cành xi,… là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc. Người ta thường đi hái lộc vào đêm giao thừa hoặc sáng mồng một để cầu một năm mới luôn may mắn và viên mãn, rước lộc về nhà. Cành lộc này thường đem về cắm ở bàn thờ Tổ tiên.
5. Chúc Tết, trao lì xì
Vào ngày mồng một, người Việt Nam có phong tục đi chúc Tết họ hàng, bạn bè và những người thân quen của mình. Khi đi chúc Tết, những người lớn sẽ cầm theo các phong bao lì xì để mừng tuổi cho trẻ em kèm theo những lời chúc may mắn và tốt lành.
6. Ăn món ăn may mắn
Bánh chưng là món ăn không thể thiếu đối với gia đình người Việt trong ngày Tết, bởi đó không chỉ là món ăn truyền thống mà còn mang lại may mắn trong đầu năm mới. Ngoài ra còn có những món ăn khác trong ngày Tết mang lại điều tốt đẹp như xôi gốc, nho, cá, ngũ quả.