11/1/17

Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ không công bố đề và đáp án kỳ thi THPT quốc gia 2017

Trong buổi họp công bố phương án thi THPT quốc gia 2017, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định năm nay Bộ sẽ không công bố đề thi và đáp án các môn thi trắc nghiệm.


Việc Bộ GD-ĐT không công bố đề thi và đáp án các môn thi trắc nghiệm khiến nhiều học sinh lo lắng
Việc Bộ GD-ĐT không công bố đề thi và đáp án các môn thi trắc nghiệm khiến nhiều học sinh lo lắng

Đề thi THPT quốc gia sẽ rất khó bị lộ ra ngoài

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh theo kinh nghiệm của các nước nói chung, nguyên tắc của bài thi chuẩn hoá là không công bố đề thi và đáp án. Việc không công bố đề thi các môn trắc nghiệm năm nay là nhằm giữ bí mật các câu hỏi để có thể tiếp tục sử dụng cho các kỳ thi tiếp theo.

Với các ý kiến băn khoăn về việc thí sinh căn cứ vào đâu để biết mình làm đúng hay sai, có hay không việc chấm lỏng, chấm chặt để có thể phúc khảo nếu kết quả không như ý…, ông Ga cho rằng, bài thi trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính nên đảm bảo độ chính xác cao. Thí sinh có thể yên tâm điểm số phản ánh đúng kết quả bài thi của mình. Các câu hỏi thô cũng phải trải qua rất nhiều khâu xử lý, biên soạn, thử nghiệm mới có thể đưa vào ngân hàng đề để sử dụng. 

Riêng về công tác xây dựng ngân hàng đề thi, Bộ đã thành lập ban chỉ đạo công tác đề thi, xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện công tác bảo mật đề thi. Cụ thể, mỗi đề thi được đưa ra, các thầy cô giáo tập trung làm đề tại một địa điểm có yêu cầu bảo mật cao, cách ly với mọi người bên ngoài từ 3-4 tuần. Các câu hỏi từ ngân hàng này sẽ được đưa về Hà Nội thẩm định, chuẩn hóa, thậm chí là thay đổi nội dung ra đề để phù hợp với năng lực của thí sinh.

Với ngân hàng câu hỏi đề thi đó, Bộ sẽ sử dụng các câu hỏi chuẩn hóa phù hợp với ma trận đề thi mới trong kỳ thi THPT 2107 và thêm vào một số câu hỏi khác. Từ nay cho đến tháng 5.2017, những thành viên trong Hội đồng ra đề sẽ cập nhật, bổ sung những câu hỏi còn thiếu để hoàn thiện đề thi và rà soát lại toàn bộ đề để thí sinh ở những vùng khó khăn, người dân tộc khi tham gia kỳ thi đều có thể làm được.

Bộ GD-ĐT khẳng định đề thi THPT quốc gia 2017 không dễ dàng bị lộ do khâu bảo mật và việc thay đổi nội dung đề thi được thực hiện đến phút cuối cùng

Thiếu minh bạch, khách quan

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố sẽ không có đáp án các môn thi trắc nghiệm, chia sẻ với phóng viên, giáo sư Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng việc này sẽ phạm vào tính thiếu minh bạch, khách quan.

Theo ông Nhĩ, trong một kỳ thi bất kỳ nào đều phải đảm bảo yếu tố minh bạch đầu tiên huống gì kỳ thi THPT quốc gia có lượng lớn thí sinh tham gia. Việc ra nhiều câu hỏi khác nhau trong nhiều mã đề khác nhau chưa chắc đã đảm bảo được sự minh bạch, khách quan do việc tìm được câu hỏi có độ khó tương đồng để trộn lẫn vào các đề không phải là việc dễ.

Ngoài ra, việc không công bố đáp án và đề thi sẽ rất khó để học sinh xác định được kết quả thi của mình. Nhưng nếu công bố đề thi, đáp án thi thì coi như năm sau lại phải làm mới ngân hàng đề thi. Việc này rất tốn kém về thời gian, công sức lẫn tiền bạc.

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Trường Lương Thế Vinh, cho rằng để thi trắc nghiệm, Bộ GD-ĐT phải có phương án đảm bảo một ngân hàng câu hỏi đủ lớn cho cả các năm sau đó. Riêng việc không công bố đáp án kỳ thi cũng có thể dẫn đến sai sót. Nếu việc lập trình đáp án cho máy tính sai thì đương nhiên máy sẽ chấm sai. Trong khi đó, việc không có ai kiểm nghiệm lại đáp án, kết quả bài thi sẽ khiến các em học sinh chịu thiệt thòi.

Chia sẻ ý kiến của mình, PGS.TS Phương Nga, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục độc lập của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng việc không công bố đề thi và đáp án sẽ gây hoang mang trong dư luận. Theo bà Nga, với việc ngân hàng đề thi xây dựng được 45.000 câu hỏi thì Bộ không cần quá băn khoăn khi công bố đề thi.

Cũng theo bà Nga, nếu muốn tăng hiệu quả chống quay cóp, Bộ có thể chuyển thành số đề tương đương nhiều hơn. "Tôi lo ngại nếu không công bố đề thi và đáp án, các học sinh sẽ không biết mình làm đúng hay sai, thấy điểm số thấp quá lại làm đơn xin phúc khảo. Chỉ riêng việc đó thôi sẽ làm mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, ảnh hưởng tới dư luận trong kỳ thi quốc gia lần này", bà Nga nói. 

Related Posts: