UBND TP.Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch tuyển dụng công chức tại các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện trên địa bàn. Trong đó yêu cầu người ngoại tỉnh phải có bằng cấp loại giỏi mới được thi tuyển.
TP.Đà Nẵng lâu nay có tiếng là thành phố văn minh hiện đại, nơi thu hút nhiều nhân tài (ảnh Đình Thiên)
Sau khi ban hành kế hoạch trên, dư luận có rất nhiều ý kiến phản đối và cho rằng, TP.Đà Nẵng vi phạm pháp luật, phân biệt đối xử, ưu tiên con em địa phương…?
Liên quan đến vấn đề trên, ông Võ Ngọc Đồng-Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết, trước khi ra văn bản này, đơn vị này cũng như thành phố rất phân vân.
“Thành phố đã xem đi xét lại nhưng vì mục tiêu tuyển chọn được người giỏi nên mới ra văn bản này. Bên cạnh đó, hiện nay TP.Đà Nẵng đã có các chương trình thu hút nhân tài riêng như đề án 13100 “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công thành phố Đà Nẵng đến năm 2020”…”, ông Đồng nói.
Ông Đồng cũng bác bỏ chuyện TP.Đà Nẵng phân biệt đối xử và ưu tiên cho người địa phương khi ra văn bản này. “Không chỉ Đà Nẵng có chính sách này mà nhiều địa phương khác đã làm trước đó”, ông Đồng cho hay.
Trong khi đó, trao đổi với Báo, Luật sư Lê Cao, thuộc Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng phân tích: Luật cán bộ công chức cũng như các văn bản pháp luật liên quan hiện hành không có quy định nào cản trở công dân Việt Nam có đủ điều kiện theo luật tham gia thi tuyển công chức tại các địa phương nếu không có sổ hộ khẩu. Việc tuyển dụng công chức mà quy định điều kiện về hộ khẩu là trái luật, thực ra việc này đang bị lạm dụng ở nhiều địa phương, không chỉ ở Đà Nẵng.
“Tư duy hộ khẩu” trong tuyển dụng hoặc quản lý hành chính là tư duy đã quá lỗi thời. Với tư duy này không bao giờ có những tài năng người Việt đang làm việc ở những nước như Mỹ, Nhật, Singapore … Thế giới đang ở thời đại toàn cầu, công dân không thể bị bó buộc nơi làm việc, sinh sống và đây là quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp.
Cán bộ công chức TP.Đà Nẵng được cho là làm việc rất chuyên nghiệp (ảnh Đình Thiên)
Nếu Đà Nẵng chỉ dựa vào khái niệm bằng giỏi để tuyển công chức ngoại tỉnh lại cho thấy câu chuyện người ta chuộng hình thức bằng cấp, không cần quan trọng năng lực thực tế. Các địa phương khác nhau đều áp dụng phương cách như Đà Nẵng sẽ có một hệ thống cát cứ về mặt công chức-địa phương nào công chức đó và đó vốn rất lạc hậu”, Luật sư Lê Cao nói.
Luật sư Lê Cao cho biết thêm, không chỉ Đà Nẵng mà nhiều địa phương, cơ quan hiện nay đang thực hiện trái luật trong công tác tuyển dụng công chức. Đó là biểu hiện của sự cố gắng cải cách công tác cán bộ nửa vời. Lợi ích cục bộ địa phương vẫn ám ảnh công tác cán bộ, và do đó chuyện chọn bằng cấp chứ không dựa vào năng lực thực tế đang bào món chất lượng công chức. Nhiều người có năng lực thực sự không hào hứng với thi tuyển công chức nữa cũng từ những nguyên nhân này và nó chưa thể xóa bỏ này trong công tác cán bộ.