Với mức giá 3,7 triệu đô la, ấn bản đầu tiên cuốn Principia Mathematica của Isaac Newton đã trở thành cuốn sách khoa học đắt tiền nhất từng được bán ra tính tới hiện tại.
Principia Mathematica
Đây là phiên bản đặc biệt của cuốn sách mang tên Euro Edition, phát hành chỉ 80 cuốn vào năm 1687 và ban đầu người ta kỳ vọng mức giá bán ra chỉ có 1,5 triệu đô, tuy nhiên do mức độ hiếm quá lớn nên giá bán cuối cùng tăng lên tới gần 2,5 lần.
Mặc dù không phải là cuốn sách hiếm nhất nhưng phiên bản châu Âu của Principia Mathematica được phân phối trên toàn lục địa và có một số khác biệt so với phiên bản phát hành tại Anh. Chỉ có khoảng 80 cuốn bản châu Âu được phát hành trong số tổng cộng 400 cuốn sản xuất ra. Phiên bản châu Âu đặc biệt ở chỗ nó xuất phát từ bản thảo gốc của Newton vốn được lưu giữ bởi Hiệp hội khoa học hoàng gia (nơi Newton dành phần lớn cuộc đời nghiên cứu).
Phiên bản 1687 đặc biệt tới nỗi Albert Einstein từng diễn tả nó rằng "có lẽ đây là bước tiến trí tuệ vĩ đại nhất mà con người từng tạo ra". Nhà thiên văn học Edmund Halley, người được lấy tên để đặt cho một ngôi sao chổi, đã biên tập cuốn sách, khích lệ Newton viết ra tác phẩm, đồng thời trả tiền để in ấn bởi khi đó hiệp hội hết tiền. Hiệp hội khoa học vẫn còn giữ lại 2 bản sao của cuốn sách, bao gồm cả bản thảo gốc - một kho báo vĩ đại của tri thức.
Nội dung chính của cuốn sách nói về các định luật chuyển động của Newton, thiết lập nên cơ sở của cơ học cổ điển, về định luật vạn vật hấp dẫn và các lập luận để suy ra ba định luật của Kepler về chuyển động hành tinh. Giám đốc hiệp hội khoa học hoàng gia Keith Moore khẳng định cuốn sách chính là "chuẩn mực trong tư tưởng con người. Nó không chỉ là lịch sử và sự phát triển của khoa học, nó là một trong những cuốn sách vĩ đại nhất từng được xuất bản, có ảnh hưởng lớn đối với việc áp dụng toán học cơ bản vào các vấn đề vật lý."